Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được quy hoạch trên diện tích 300ha, nằm vùng giáp ranh giữa phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) và huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Trong đó 190ha thuộc huyện Điện Bàn và 110ha thuộc phường Hòa Quý. Hơn 1.000 hộ dân ở huyện Điện Bàn và 420 hộ dân ở phường Hòa Quý phải di dời bởi dự án.
Vườn hoa cúc vàng chết úng vì kênh mương bị lấp. |
Dự án “khoanh” đất của hàng nghìn hộ dân rồi để hoang, cỏ dại mọc um tùm 15 năm nay, trong khi người dân không có đất để sản xuất. Một số người còn đất thì không sản xuất được do đất bị ngập úng vì dự án đã lấp hết hệ thông kênh mương thủy lợi…
Hoa cúc úa màu
Tôi có mặt tại khu Làng Đại học Đà Nẵng vào một buổi sáng, bụi bám dày lá cây. Từ đầu đường lớn đi vào khu làng đại học, lèo tèo đôi ba quán nước vắng như chùa Bà Đanh. Đi sâu vào chút nữa thì đường toàn ổ voi, ổ gà đọng nước. Gây “ấn tượng” nhất cho ai đi qua đây là những vạt đất quanh khu làng có rất nhiều vườn hoa cúc màu đen kỳ lạ. Tôi bước vào vườn hoa của ông Mai Văn Thanh (trú phường Hòa Quý) khi ông Thanh đang lúi húi nhổ bỏ những cây cúc có màu đen.
Ông Thanh làm nghề trồng hoa cúc vàng mấy chục năm nay rồi. Cứ đến ngày rằm hàng tháng, ông đưa những cây hoa cúc vàng ra các chợ trung tâm của TP.Đà Nẵng để bán. Làm nghề này không giàu có gì nhưng nhờ nó mà tôi nuôi được 3 đứa con đang học đại học. Thế nhưng bây giờ có lẽ tôi phải bỏ nghề vì đất bị ngập hết nên hoa bị úng, trổ bông nào thì bông đó bị đen, chẳng còn ai mua.
Theo ông Thanh, chính cái dự án Làng Đại học Đà Nẵng thi công nham nhở đã làm lấp hết hệ thống kênh mương thủy lợi vùng này, khiến mỗi khi có mưa, nước không thoát đi đâu được, từ đó gây ngập úng, làm chết hoa màu người dân.
Chị Huỳnh Thị Hết (tổ 16, phường Hòa Quý) cũng điêu đứng vì dự án này. “Khi dự án về, gia đình tôi đã mất một số diện tích đất và di dời đến tổ 16 sinh sống làm ăn. Về nơi mới, gia đình 5 miệng ăn nhờ vào 3 sào trồng rau, laghim… để sống. Vậy mà mấy năm nay cứ vào mùa mưa là đất đai bị ngập nước không làm ăn gì được. Đã nghèo lại càng nghèo hơn”- chị Hết buồn nói.
Thuê nghĩa địa trồng rau
Ông Nguyễn Nho Trung - Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn phản ánh: Người dân địa phương bức xúc về dự án “treo” không phải chỉ một, hai năm mà đã 15 năm nay. Dự án đã khiến cuộc sống bà con ngày càng thêm bức bí. Nhiều hộ bị giải tỏa nhưng không biết đến bao giờ được đến nơi ở mới. Đất nông nghiệp của bà con bị lấy hết nên bây giờ không còn đất để sản xuất, ổn định cuộc sống.
Rất nhiều hộ dân phường Hòa Quý đã phải tận dụng những khoảnh đất còn lại ở nghĩa địa để trồng rau kiếm cái ăn qua ngày. Chị Trần Thị Lời mấy năm trở lại đây sống nhờ mấy khoảnh rau ở khu nghịa địa gần Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin. Chị cho biết: Giữa các ngôi mộ có các khoảng đất trống có thể trồng được luống rau. Nơi đây cao ráo nên không sợ bị ngập úng khi mưa xuống nên bà con tranh nhau trồng rau kiếm sống. Ai nhanh tay nhanh chân chiếm được nhiều ngôi mộ thì kiếm được miếng cơm cho gia đình.
Nhưng để có được khoảnh đất trồng rau như vậy đâu có dễ. Bởi chủ những ngôi mộ này chẳng ai muốn nơi chôn cất người thân của mình bị cuốc xới, bón phân... Để được yên ổn trồng rau, hàng chục hộ nông dân nơi đây phải chịu nộp một năm 1 - 1,5 triệu đồng/1 sào đất cho các chủ ngôi mộ.
Nhiều nông dân chua xót: Đất của nông dân hàng trăm ha thì lấy rồi bỏ hoang để nông dân phải bỏ tiền thuê nghĩa địa trồng trọt kiếm sống qua ngày. Chuyện xót xa vậy mà cứ tồn tại dai dẳng.
Kỳ 2: Người tăng lên, nhà co lại
Đình Thiên