Dân Việt

Hàng nghìn hộ dân ôm hận vì sắn

22/10/2012 07:18 GMT+7
(Dân Việt) - Nay tới lượt các hộ nông dân ở tỉnh Quảng Nam cũng gặp họa tương tự khi Nhà máy Ethanol Đại Tân không thu mua sắn cho dân.

Không thể tiêu thụ

Những ngày này, nông dân trồng sắn ở xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, ai cũng rầu rĩ. Ông Nguyễn Văn Công (thôn Xuân Tây) chán nản: Rẫy sắn của tôi cây nào cũng to khỏe, mỗi gốc nhổ lên được 2 kg sắn củ chứ không ít đâu. Nhưng trúng sắn mà Nhà máy Ethanol không mua thì đành để đó chứ nhổ lên không biết làm gì.

img
Sắn đổ đống ở Đại Lộc không có người mua.

Theo ông Lê Sơn (thôn Nam Phước), khi nhà máy đi vào hoạt động, bà con ai cũng hồ hởi vì nghĩ đã có đầu ra cho cây sắn. Thời gian đầu, nhà máy ký hợp đồng hỗ trợ cây giống và bao tiêu luôn đầu ra cho sắn. Vì vậy, bà con ở đây đã bỏ tất cả các cây trồng khác để trồng sắn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất. “Nhưng đến khi trồng bạt ngàn thì bị lãnh quả đắng này" - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, để trồng mỗi ha sắn, nông dân phải chi phí trên dưới 10 triệu đồng. Ngày trước, nhà máy mua sắn giá 2.000-2.500 đồng/kg, ai nấy đều có lời và luôn tin tưởng nhà máy sẽ sản xuất ổn định nên tập trung để trồng sắn. Chính quyền xã cũng xuống tuyên truyền cho người dân nên chuyên canh vào loại cây này. Vì vậy có gia đình đã trồng tới chục ha sắn. "Đùng một cái, mấy tháng trước, nhà máy chuyển thông tin qua xã là người dân có thể tự bán sắn ra ngoài, kể cả đã ký hợp đồng với nhà máy. Chúng tôi đã nhiều lần tìm hỏi nguyên do nhưng đều bất thành vì ban giám đốc nhà máy luôn bận việc" - ông Lê Sơn nói tiếp.

Chính quyền vẫn vô tư

Phóng viên Báo NTNN cố gắng tìm câu trả lời từ Nhà máy Ethanol Đại Tân nhưng liên tiếp nhận được câu thoái thác là lãnh đạo bận đi công tác. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc - cho biết: "Huyện Đại Lộc có gần 100ha sắn cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Ethanol Đại Tân, tập trung chủ yếu ở xã Đại Tân, Đại Hồng. Chúng tôi đã nhận được thông tin nhà máy này dừng hoạt động được mấy tháng nay.

Nhà máy Ethanol Đại Tân nằm trong Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015, tầm nhìn 2025 của Công ty cổ phần Đồng Xanh. Đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, công suất 100.000 tấn/năm (tương đương 125 triệu lít/năm), sản phẩm phụ là CO2 lỏng 20.000 tấn/năm và phân vi sinh 40.000 tấn/năm.

Theo ông Mẫn, sỡ dĩ nhà máy không mua sắn của bà con vì diện tích sắn của bà con ở đây quá nhỏ, không đủ cho nhà máy sản xuất (?). Ông Mẫn không tỏ ra lo lắng gì về việc cả trăm ha sắn của bà con có nguy cơ hư hỏng vì không thể tiêu thụ khi nói: "Những người dân ký hợp đồng với nhà máy năm trước cũng tự bán sắn ra ngoài khi nhà máy không thu mua. Năm nay nhà máy dừng sản xuất thì bà con cũng tự làm như vậy thôi".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, cả trăm ha sắn của người dân thì có tư thương nào mua cho hết được. Hiện nay trên địa bàn có một vài tư thương mua sắn cho bà con để làm thức ăn chăn nuôi nhưng chỉ với số lượng rất nhỏ. Đã vậy, tư thương còn mua sắn với giá "rẻ như cho", chỉ 600 -1.000 đồng/kg. "Hiện một số hộ đã thuê nhân công thu hoạch sắn nhưng do không bán được cho nhà máy xăng nên chất đống ngoài sân phơi mưa phơi nắng" -ông Hồ Xuân Hội - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tân, cho biết.