Điểm mới, chỉ là tính chất của vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn, thể hiện rất rõ trong các tính từ mà Báo cáo sử dụng.
Ngày 5.6.2006, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, Báo cáo kiến nghị của cử tri mà Mặt trận đề cập tới có nhiều vấn đề “chưa được giải quyết”, “chưa chuyển biến rõ”, thậm chí “ngày càng nghiêm trọng hơn trước”.
Điểm tên cụ thể một số vụ án tham nhũng điển hình: Vụ xây dựng khu du lịch ở Khánh Hoà; dự án nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 2; mua sắm thiết bị ở 38 bưu điện các tỉnh; vụ Cảng Thị Vải trong ngành dầu khí và tất nhiên, vụ tham nhũng, tiêu cực tại Ban quản lý các dự án PMU 18. Báo cáo đánh giá: Tham nhũng lãng phí “ngày càng nghiêm trọng hơn trước”.
Trong lĩnh vực đất đai, trong khi nông dân đang thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm thì nhiều dự án để hoang hóa; vấn đề thu hồi, đền bù, tái định cư “thiếu công khai, minh bạch”, “giải quyết chưa thoả đáng gây bức xúc, dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp”. Bấy giờ, sự bất bình trong nhân dân dẫn đến khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp diễn ra nóng bỏng ở nhiều nơi.
Về đời sống, “giá vàng tăng đột biến, giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu đều tăng nhanh, làm cho sản xuất và đời sống của nhân dân càng thêm khó khăn; việc tăng lương không theo kịp sự tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, người hưởng lương đang gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, ngành điện lại có đề án tiếp tục tăng giá điện”. Ngoài ra, một số cán bộ, công chức suy thoái về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, lãng phí, tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đoạ.
2006 là thời điểm mà Đại hội X của Đảng vừa tiến hành xong. 2006 là thời điểm bắt đầu của một nhiệm kỳ Chính phủ mới. Nhưng những vấn đề của tháng 5-2006, hôm qua, đã được lặp lại gần như nguyên văn trong báo cáo kiến nghị của cử tri được Mặt trận trình bày trước Quốc hội. Chỉ có điều, với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều.
Chẳng hạn trong lĩnh vực đất đai, lần đầu tiên Mặt trận đưa vào báo cáo “Nhóm lợi ích”, “câu kết, trục lợi”, song song với tình trạng “quy định của pháp luật về đất đai không còn phù hợp”; quản lý “yếu kém, bất cập”.
Hoặc việc chống tham nhũng lãng phí, “chưa đạt được mục tiêu đề ra”, ngày càng “tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, gây bức xúc, bất bình trong xã hội”. Điều này không khó hiểu khi mức độ thiệt hại chỉ của riêng một tập đoàn đã gây lãng phí bằng tất cả các vụ từ năm 2006 đến nay cộng lại.
Sự thay đổi các tính từ trong Báo cáo kiến nghị của cử tri cho thấy tính chất “mãn tính” của các vấn đề.
Phong Dao