Năm 1993, ông Khởi cùng vợ con chuyển về sinh sống ở mảnh đất này trước sự can ngăn của rất nhiều bạn bè, bởi ở cái đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” trên cao nguyên ấy, đến cỏ cũng không mọc được, nói gì tới làm giàu.... Nhưng ông Khởi lại nghĩ khác: “Mình là ND, có đất sản xuất là quý rồi. Cây trồng có năng suất hay không còn do việc cải tạo, chăm sóc của mình”.
Gần 70 tuổi, ông Khởi vẫn dẻo dai mọi việc trong nhà.
“Cả nhà quây quần trong cái lán tạm, chẳng tivi, đài đóm. Cứ ăn xong là lăn ra ngủ để lấy sức mai lại làm vườn. Tôi làm quần quật vì ngày ấy có tiền đâu mà thuê người giúp. Chỉ khi mua giống, mua phân mới vay vốn ngân hàng mà cũng chẳng được bao nhiêu bởi mình không có gì thế chấp” - ông Khởi nhớ lại. Mảnh đất ông chọn lập nghiệp vốn là một doanh trại bộ đội.
Ông cũng đóng quân ở đây trong thập kỷ 80 vừa qua nên chẳng lạ gì thứ đất đỏ bazan trộn sỏi, đến cây chó đẻ cũng quắt queo nắng gió, không lên nổi vì thiếu nước, thiếu chất. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, thiếu vốn ông trồng cà phê theo kiểu “vết dầu loang”, mỗi năm thêm một ít. Diện tích còn lại ông trồng sắn, ngô, đậu tương... và chăn nuôi thêm con vịt, con gà… để nuôi nghiệp lớn.
Tích cóp, vay mượn được tí vốn nào, ông lại đầu tư mở rộng vườn tược. “Có lúc sức yếu, vốn ít, tôi phải cho dân bản mượn bớt đất để họ trồng ngô. Năm 1999, diện tích cà phê của tôi lên tới gần 2ha, thu nhập cũng đã kha khá. Không còn cảnh đói nghèo lần bữa thì đùng một cái gặp sương muối nặng, cây chết hàng loạt, tôi thì đứt ruột...”- ông Khởi nhớ lại.
Theo ông Khởi, làm nông nghiệp thời cơ chế thị trường ngoài sự may mắn, kiên trì, nhẫn nại, vốn liếng dư dả cũng phải biết tính toán, không tham cái tiếng giỏi, cái miếng ăn to. “Giờ tôi có 7ha đất, mỗi năm riêng thu từ vườn tược của tôi ngót tỷ đồng, nhưng tôi vẫn phải tính toán đầu tư cho hợp lý. Giá nông sản lên xuống thất thường, nếu không tỉnh táo có lúc mất ăn cả vụ, thậm chí sạt nghiệp” - ông Khởi bảo.