Phải “méo mặt” nộp tiền triệu nhưng không ít phụ huynh cũng chỉ dám ngậm ngùi với những khoản tiền mang tên “tự nguyện, xã hội hóa, quyên góp…”.
1 học sinh “cõng” trên 10 loại phí
Ngay buổi họp phụ huynh đầu tiên cho con chuẩn bị vào học lớp 1 của Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), chị Nguyễn Thị T ở quận Ba Đình đã “ngã ngửa” với hơn chục khoản phí phải đóng cho con gái. Tổng số tiền lên đến hơn 3 triệu đồng và phải đóng ngay lập tức, bao gồm: Tiền học bán trú 360.000 đồng/12 buổi; tiền ăn 240.000 đồng/12 buổi; tiền chăm sóc 120.000 đồng; tiền điều hoà 990.000 đồng; tiền đồng phục 325.000 đồng; tiền mua sách giáo khoa ở trường 600.000 đồng; ngoài ra còn có tiền khăn ướt 10.000 đồng, tiền mua bàn ghế mới; tiền nước uống; tiền hỗ trợ cha mẹ học sinh…
Đầu năm học mới, phụ huynh phải đóng rất nhiều loại phí cho con em mình. |
Chị T cho biết: “Có một số khoản không thể hiểu nổi dùng để làm gì, như: Tiền hỗ trợ cha mẹ học sinh, tiền chăm sóc, rồi cả tiền giấy ướt nữa có thực sự cần thiết không?”.
Tương tự, chị Thịnh Anh có con học tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cũng cho biết, vừa phải nộp 1.000.000 đồng tiền điều hoà và 300.000 đồng tiền phụ phẩm. Chị Anh nói: “Các cô bảo, những vật dụng như vở, bút, thước kẻ, eke, gọt chì… bây giờ cũng cần phải “đồng phục” hết. Cô giáo gợi ý là mua nhưng không bắt buộc, nếu đại diện hội phụ huynh thấy cần thiết thì nhà trường… mua luôn cho”.
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều ngày qua phụ huynh học sinh ở TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng đau đầu với hàng chục khoản thu đầu năm cho con. Phiên họp phụ huynh đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm các lớp của Trường THCS Lê Ngọc Hân (phường 7, TP.Mỹ Tho) thu 8 khoản đóng của phụ huynh gồm: Tiền học phí 360.000 đồng, hội phí 60.000 đồng, bảo hiểm tai nạn 35.000 đồng, bảo hiểm y tế 265.000 đồng, phù hiệu 10.000 đồng, tiền thuê bảo vệ 10.000 đồng, tiền thuê quét lớp 15.000 đồng và tiền vận động hỗ trợ nhà trường làm lễ mừng ngày thành lập trường?
Tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Vương (phường 5, TP.Mỹ Tho) thì ngoài các khoản thu theo quy định của ngành giáo dục còn có các khoản thu khác trên 700.000 đồng/em, như: Thuê nhân viên phục vụ, mua máy điều hòa, dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân. Riêng các lớp bán trú thì phụ huynh phải ứng trước tiền xây dựng cơ sở vật chất trên 2.000.000 đồng/em. Tính ra mỗi học sinh mới vào trường này phải đóng trên 4.000.000 đồng.
Điều hoà để đâu cho hết?
Mua điều hoà, máy chiếu là một trong những khoản đóng góp “nặng ký” nhất trong hàng tá khoản phí mà phụ huynh phải gánh đầu năm học, nhưng mỗi trường lại có những “cái lý” rất… hợp lý biện minh cho khoản đóng góp tốn kém này.
Chị Phạm Thị L - một phụ huynh khác có con học tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho biết: “Trong buổi họp phụ huynh, chúng tôi được cô giáo chủ nhiệm phát cho một tờ phiếu lấy ý kiến của phụ huynh về việc trang bị máy chiếu và máy điều hoà. Trong đó, có ghi rất chi tiết và cụ thể về giá cả, công lắp, những khoản đã được phụ huynh hỗ trợ…Tổng kinh phí cho máy chiếu là trên 53 triệu đồng và điều hoà là 26,5 triệu đồng chia đều cho 59 học sinh, mỗi học sinh đóng góp 900.000 đồng”.
Cũng theo chị L: “Khi họp phụ huynh, tất cả phòng ốc đã được trang bị điều hoà và còn rất mới. Một số phụ huynh có thắc mắc thì giáo viên giải thích là điều hoà này là của khoá trước sẽ được bàn giao lại nên vẫn phải mua mới. Thử hỏi rằng: Năm nào cũng có học sinh lớp 5 tốt nghiệp ra trường, số điều hoà cũ để làm gì? Chẳng lẽ các phụ huynh lại phải cùng nhau “thanh lý” điều hoà?”.
Còn chị Phan Thị C có con học ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường 4, TP.Mỹ Tho) bày tỏ: “Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp đã thông báo 12 khoản đóng góp. Trong đó có một số khoản đóng góp tuy không nhiều nhưng tui thấy không hợp lý, như: 300.000 đồng tiền hỗ trợ nhà trường trang trí khuôn viên, nhà vệ sinh. Trong khi đó cơ sở vật chất trường này rất ọp ẹp, không có chỗ để đưa đón học sinh…”.
Cũng theo tìm hiểu của PV, nhiều trường trên địa bàn TP.Mỹ Tho còn vận động phụ huynh đóng góp mua máy điều hòa, bình nước lọc bằng inox, ghế ngồi sinh hoạt cho học sinh…
Chị Trần Thị Kim H - một phụ huynh học sinh ở thị trấn Tân Hiệp cho rằng: “Năm nào nhà trường cũng vận động phụ huynh đóng góp trang bị máy điều hòa, bình nước lọc... Đến lớp học khác thì tiếp tục vận động mua vật dụng mới. Tôi không biết các đồ dùng đó có hỏng không vì nhà trường nói mua hàng cao cấp rất khó hư hỏng. Nếu tận dụng các vật dụng ấy lại cho lớp mới thì tiết kiệm kinh phí cho phụ huynh biết chừng nào?”.
Tùng Anh - Trường Duy