Dân Việt

Xuân Quỳnh - người và thơ hòa khối yêu thương

24/10/2012 08:08 GMT+7
(Dân Việt) - Xuân Quỳnh sống thế nào thơ thế ấy, đó là điểm chung của tất cả các ý kiến phát biểu tại cuộc tọa đàm tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh nữ thi sĩ tài danh.

Chị là một người phụ nữ yêu hết mình, sống hết mình cho đến chết trong thơ.

Càng lặng lẽ, càng thẳm sâu

Sáng 23.10 tại Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội (19 Hàng Buồm), đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và bạn bè, người yêu mến Xuân Quỳnh đã có mặt để dự cuộc tọa đàm do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức để kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của thi sĩ. Trong trong hơn 2 tiếng, 13 tham luận và bài phát biểu đã gửi tới người nghe những cách tiếp cận, đánh giá mới về đóng góp của thơ Xuân Quỳnh và rất nhiều kỷ niệm vui buồn, xúc động.

img
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phát biểu tại cuộc tọa đàm.

Nhà văn Lê Minh Khuê- người từng nhiều năm gắn bó với Xuân Quỳnh tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn) cho biết: “Năm 1979, tôi đang công tác tại Đài Truyền hình VN, chị Quỳnh lúc đó đang làm ở Báo Văn Nghệ, chị rủ tôi về làm ở nhà xuất bản, chính từ đó tôi mới có dịp được sống gần 3 người phụ nữ đặc biệt của làng văn là chị Xuân Quỳnh, nhà thơ Ý Nhi ở cùng phòng và nhà văn Dương Thu Hương thỉnh thoảng qua chơi.

Tôi đánh giá đó là những người phụ nữ có tài năng phi thường nhưng cuộc sống lại rất bình thường, trong đó tôi yêu quý nhất là chị Xuân Quỳnh. Chị có đời sống nội tâm vô cùng sâu sắc, phong phú và cực kỳ thông minh, có chị ở đâu là có tiếng cười ở đó. Thơ của chị không cần quảng cáo, không ồn ào nhưng sức sống thì dai dẳng, ám ảnh bởi vì càng lặng lẽ thì càng thẳm sâu, đó chính là sức mạnh của văn chương”.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ phát biểu: “Trong làng thơ không nhiều người có cái nhìn sắc sảo như chị Quỳnh, chỉ cần một lời nói, một chi tiết của chị cũng đủ để khắc họa chân dung một người bạn văn, bạn thơ. Trong những nhà thơ viết về biển, tôi đánh giá Xuân Quỳnh là một trong những người xuất sắc nhất khi chị viết: Chỉ có thuyền mới hiểu/Biển mênh mông nhường nào/Chỉ có biển mới biết/Thuyền đi đâu về đâu. Vì thuyền dũng cảm lao ra biển, mới biết biển rộng, chỉ có biển mở lòng ra đón thuyền nên mới biết thuyền đi tới đâu, đó là một cái nhìn vừa có tình vừa có lý, vừa nên thơ lại vừa biện chứng”.

Cùng quan điểm này, nhà thơ Phạm Khải cho biết: “Thơ Xuân Quỳnh là thơ trọng ý, có cảm tưởng nhà thơ chủ yếu quan tâm tới ý nên dồn hết ý tứ vào khuôn khổ bài thơ đến nỗi có lúc quên đi những sức mạnh của ngôn từ, bởi vậy khi dịch thơ chị sang bất cứ ngôn ngữ nào cũng có thể gây nên sự xúc động sâu sắc”.

Cơn mưa từ chính tay mình

Nhà thơ Bằng Việt xúc động hồi tưởng, trong đời thơ Xuân Quỳnh, có những bài thơ mà ngay khi làm ra, nó đã không được in: “Tôi nhớ có bài “Những người mẹ không có lỗi” mà Quỳnh viết sau khi đi Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra, nói về hai người mẹ ở hai chiến tuyến cùng khóc con, và ý của chị là không có ranh giới ta-địch nào cho nỗi đau mất mát vì chiến tranh. Nhưng Quỳnh bị phê bình vì bài thơ đó.

Một bài thơ khác nữa, bài “Cơn mưa không phải của mình” nói về các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ, suốt 3-4 tháng khô khát, họ chờ mãi những đám mây mang mưa đến nhưng rút cục, mưa không đến. Thế là họ buộc phải dùng cuốc, xẻng, đào dưới đất sâu tới 20m thì tia nước mới vọt lên, và Quỳnh viết đó mới là cơn mưa của chúng mình, đừng chờ đợi một sự ưu đãi, một ân huệ nào từ trên trời rơi xuống mà phải dựng nên cuộc đời bằng bàn tay và khối óc. Đó là một tuyên ngôn cứng cỏi và bản lĩnh đã khiến Quỳnh trở thành một nhà thơ nữ lớn của Việt Nam”.

PGS - TS Lưu Khánh Thơ thay mặt gia đình nhà thơ phát biểu: “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán vừa nói với tôi, thời buổi này hiếm có hội thảo nào mà từ đầu đến cuối không khí vẫn ấm cúng, nghiêm túc, xúc động và hào hứng thế này. Điều đó chứng tỏ tình cảm mọi người dành cho chị Xuân Quỳnh bao năm qua vẫn vô cùng thắm thiết, đó là một điều thiêng liêng vô giá dành cho nhà thơ”.

Một số đại biểu nữ lại chia sẻ về người phụ nữ quên mình trong Xuân Quỳnh. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho biết: “Năm 1987, tôi đi Nga cùng Xuân Quỳnh, khi vào siêu thị, chị chỉ chăm chăm đi mua quà cho tất cả mọi người, cho mẹ chồng, cho chồng, cho em chồng, cho các con, còn mình thì chẳng hề nghĩ tới”.

Còn với TS Nguyễn Thị Minh Thái, kỷ niệm bà nhớ nhất cũng là ở Nga, khi Xuân Quỳnh sang học về bồi dưỡng viết văn, bà đã đưa nữ thi sĩ đi nói chuyện cho sinh viên nghe, ngoài mục đích nghề nghiệp còn là chuyện muốn giúp Xuân Quỳnh kiếm được tiền mua 3 chiếc quạt tai voi cho 3 con trai trong mùa hè nóng nực ở Hà Nội. “Chị Quỳnh nói đó là mong ước lớn nhất của chị, và chị yêu 3 đứa như nhau”- TS Minh Thái nhấn mạnh.

Rất nhiều những tham luận xúc động khác của nhà thơ Vân Long, nhà giáo Đặng Hiền, nhà nghiên cứu PGS - TS Vân Thanh, nhà phê bình Lại Nguyên Ân, TS Hồ Thế Hà, nhà văn Lê Phương Liên... cũng đã làm nổi bật hình ảnh một Xuân Quỳnh tài hoa, hết mình trong tình yêu và khắc khoải trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc. Đời người và đời thơ của Xuân Quỳnh đã hòa vào thành một khối thống nhất của yêu thương.