Dân Việt

ĐBSCL: Lũ thấp, nông dân thất thu

24/10/2012 10:20 GMT+7
(Dân Việt) - Nước lũ đã tràn về ĐBSCL hơn 1 tháng nay nhưng nông dân sống bằng nghề săn bắt cá, tôm lại thất thu do lũ về ít hơn so với mọi năm. Ngoài ra, nông dân còn gặp khó vì ruộng đồng thiếu phù sa, gia tăng chuột bọ, sâu bệnh...

Thất thu sản vật

Năm nay, nước lũ về thấp hơn cùng kỳ khoảng 1m nên nguồn lợi thủy sản cũng giảm theo. Gia đình ông Hồ Văn De ở ấp Trung Hưng Bắc (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) canh tác 9 công ruộng chỉ cánh biên giới Campuchia chưa tới 2km. Năm nào cũng vậy, ông chỉ sản xuất 2 vụ lúa. Thời gian còn lại là chờ nước lũ về để săn bắt các sản vật mùa lũ như tôm, cá, chuột đồng, bông súng, bông điên điển…

Không chỉ riêng ông mà những người dân vùng biên giới này đa số đều ít đất hoặc không có đất sản xuất. Mùa lũ là mùa làm ăn của rất nhiều người. Sản vật từ mùa lũ không chỉ cung cấp thức ăn hàng ngày mà còn có dư để bán và dự trữ cho những tháng mùa khô. Tuy nhiên, năm nay sản vật mùa lũ chẳng được bao nhiêu.

img
Gần 2kg cá là kết quả cả đêm thả lưới của một người dân xã Hưng Điền, Tân Hưng, Long An.

Sáng 23.10, gặp phóng viên, ông De than thở: “Tôi đầu tư 1 triệu đồng để sắm lưới, dớn (dụng cụ đánh bắt cá, tôm mùa lũ) giăng ngay ruộng mình nhằm hứng cá từ biên giới Campuchia sang, nhưng năm nay thất thu nặng. Mỗi ngày chỉ kiếm được chưa tới 10kg cá, chỉ bằng 1/5 so với mùa lũ năm ngoái”. Theo ông De, nguyên nhân chính là do nước lũ năm nay về ít nên chẳng có bao nhiêu cá, tôm.

Ở các huyện An Phú, Tân Châu (An Giang); Hồng Ngự, Tân Hồng, Lai Vung (Đồng Tháp), năm nay nông dân cũng chịu cảnh thất thu trong mùa lũ. Ông Nguyễn Văn Lồng ở xã Tân Thành (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) chuyên làm nghề đặt lợp bắt tôm, cua đồng cho biết: “Năm nay tưởng đâu có cá, tôm, cua nhiều như năm nên tui sắm mấy chục cái lợp để kiếm sống. Ai ngờ đặt mấy bữa chẳng có bao nhiêu mà phải bỏ công canh giữ. Vậy là thất thu nặng, coi như lỗ tiền sắm lợp. Hy vọng mấy bữa nữa nước nhiều mong gỡ gạc được chút đỉnh…”.

Ở các tỉnh hạ nguồn, năm nay nông dân mòn mỏi chờ lũ về, nhưng khi nước về tràn đồng thì cũng kiếm chẳng được bao nhiêu sản vật. Trên cánh đồng ấp Phú Long B (xã Phú Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), nước lũ về ít, sản lượng cá tôm cũng chẳng được bao nhiêu. Gia đình ông Nguyễn Văn Vân (Phú Long B) đã đầu tư hơn 2 triệu đồng mua 12 cái dớn về đặt xung quanh nhà. Mỗi ngày, gia đình ông chỉ thu được 5- 6kg cá tạp như lòng tong, sặt, linh, chạch… Các loại cá có giá trị cao như cá lóc, chạch, lươn… rất ít. Chìa chiếc dớn trống hoác, ông Vân cho biết: “Nước mới phả mặt ruộng chừng 1m, thấp hơn cùng kỳ rất nhiều nên chẳng có bao nhiêu cá, tôm. Năm rồi, tôi kiếm hơn 200.000 đồng mỗi ngày thì năm nay chỉ đủ cá ăn và bán được chừng vài chục ngàn”.

Thiệt kép

Ông Võ Văn Cọp – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, Long An) cho biết, nhiều khu vực đất gò trên địa bàn xã này năm nay không biết lũ, đất khô rang. Theo lịch gieo sạ đợt 1 của ngành nông nghiệp (từ 20 đến 30.10), nông dân xã này đã vệ sinh đồng ruộng xong, có hộ đã xuống giống xong nhưng chưa thể cấy. “Cũng có mấy chỗ bưng, trũng nước ngập chút đỉnh, nhưng ngập do nước mưa chứ không phải do nước lũ” – ông Cọp nói.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện nay tình hình mực nước lũ vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên giảm với cường suất 0 - 6cm/ngày đêm. Ngày 23.10 mực nước tại Tân Châu là 2,59m, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 2,1m, tại Mộc Hóa là 1,6m, thấp hơn cùng kỳ 1,18m.

Theo ông Nguyễn Văn Đát – Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (Long An), dù Mộc Hóa nằm giữa rốn lũ Đồng Tháp Mười nhưng mùa lũ năm nay nhiều địa phương trong huyện phải bơm nước mới xuống giống được vụ đông xuân. “Thiếu nước, thiếu phù sa nên chi phí đầu tư cho vụ đông xuân dự đoán sẽ tăng lên. Nếu có nước lũ, nông dân còn tiết kiệm được khoản tiền bỏ ra để diệt chuột bọ, mầm bệnh và cỏ dại” - ông Đát nói.

Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, nhiều người cứ đinh ninh “năm Thìn bão lụt”, hy vọng năm nay nước lên cao nhưng thực tế thì quá thấp. Nông dân ngoài chuyện buồn vì thất thu con cá con tôm, còn không vui vì ruộng đồng thiếu phù sa, rồi chuột, sâu bệnh bùng phát. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu lịch xuống giống phù hợp tình hình thực tế. Theo đó, vụ hè thu năm sau sẽ thuận lợi hơn vì chủ động được về mặt thời gian. “Nói vậy nhưng chúng tôi cũng không được chủ quan, nhất là trong phòng trừ dịch bệnh để có một mùa vụ an toàn” – ông Đức nói.