Kinh tế hộ làm “đầu tàu”
Với 269ha đất nông nghiệp, sản xuất đảm bảo an ninh lương thực cho gần 6.000 nhân khẩu trong xã đã khó, nhưng Nhân Hòa vẫn có cách làm riêng của mình để không những dân no mà còn có tích lũy để xây dựng NTM nhanh và mạnh. Cách làm của Nhân Hòa là ưu tiên cho phát triển kinh tế hộ làm “đầu tàu”. Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại- dịch vụ (hiện chiếm 48% tổng giá trị sản xuất toàn xã), chính quyền địa phương chú trọng động viên các hộ gia đình làm kinh tế VAC, phát huy nghề buôn bán nhỏ đã có từ lâu đời tại địa phương.
Ngọn giả sơn mô phỏng mô hình Làng Văn hóa xã Nhân Hòa trong xây dựng nông thôn mới. |
Ông Nguyễn Văn Chí- Bí thư Đảng ủy xã Nhân Hòa cho biết: “Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được quy thành 4 vùng sản xuất gồm: Sản xuất lúa giống (hạt lai F1), sản xuất lúa chất lượng cao, trồng ớt xuất khẩu và nuôi trồng thủy sản. Đến nay, cả 4 vùng này đều phát huy được các thế mạnh của địa phương.
Việc quy hoạch vùng để đưa cơ giới cũng như các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào đồng ruộng đã làm tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, trong đó phải kể đến hiệu quả sản xuất giống lúa lai F1. Việc đưa hạt lai F1 về sản xuất lúa giống tại địa phương làm tăng giá trị kinh tế gấp 3-4 lần so lúa thường, góp phần đưa năng suất lúa bình quân của Nhân Hòa lên 13 tấn/ha/năm”.
Đồng thuận là yếu tố quyết định
Ở Nhân Hòa, bất kể công việc gì, dù khó mấy cũng đều được làm băng băng. Đây là nhận xét không chỉ của những người trong xã, mà cả người ngoài xã. Sở dĩ được như vậy là bởi từ chủ trương đến cách làm của địa phương đều đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Ông Trần Văn Hóa- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2007, địa phương chủ trương bắt tay xây dựng hạ tầng phục vụ các tiêu chí về NTM. Theo đó, một loạt các công trình đòi hỏi phải có kinh phí để thực hiện đồng bộ. Quan điểm của địa phương là quá trình thi công phải làm “cuốn chiếu”, không để dàn trải, lai rai kéo dài sẽ khó quản lý vốn cũng như chất lượng công trình”.
Rối nước cũng... vào cuộc!
Một điều đặc biệt ở Nhân Hòa là 2 năm trở lại đây, khi bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng NTM, sự độc đáo của Rối nước Nhân Hòa đã góp phần thu hút 400 lượt khách quốc tế và hàng nghìn lượt du khách trong nước mỗi tháng đến với địa phương. Trong số này, không ít nhà đầu tư không chỉ bỏ tiền hỗ trợ phường rối phát triển, mà còn liên doanh, liên kết làm kinh tế (mở rộng vùng sản xuất lúa hàng hóa, bao tiêu sản phẩm ớt xuất khẩu...). Những bản hợp đồng liên kết kinh tế này đều được ký khi đối tác và đại diện chính quyền địa phương bắt tay nhau sau khi xem diễn rối nước ở địa phương Nhân Hòa.
Cũng theo ông Hóa, trong quá trình họp dân, bà con còn đồng thuận cao khi biết khoản tiền đầu tư cho phát triển sản xuất và xây dựng hệ thống đường nội đồng được trích từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, phía các hộ chỉ phải đóng góp một phần. Ông Hóa giải thích: “Làm vậy là để “khoan sức dân” và cũng là để đất trở về với... đất”.
Hiện tại, Nhân Hòa đã chỉ đạo dồn tổng lực nâng cấp và xây dựng mới các công trình ở các thôn xóm, trong đó có 3 hạng mục cần tới sự đóng góp tích cực của người dân để triển khai nhanh, bao gồm: Hệ thống đường giao thông liên thôn xóm (3 thôn), cơ sở vật chất 2 trường tiểu học và THCS, khôi phục và nâng cấp 3 di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận.
Để thực hiện, xã đã có phương án “kích cầu” để người dân đóng góp, bằng cách quyết định sử dụng khoản tiền đấu giá đất còn lại đầu tư vào các hạng mục này. Những khoản tiền “kích cầu” đó, xã không quản mà giao cho từng nhóm nhân dân giữ để thực hiện, UBND xã chỉ đóng vai trò hạch toán và giám sát. Cách làm này không những tránh được thất thoát, lãng phí mà còn phát huy được tính dân chủ, ý thức trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ công trình như cam kết.
Thu Ngân