Dân Việt

Dồn đổi ruộng đất để xây dựng nông thôn mới

14/02/2011 15:04 GMT+7
(Dân Việt) - Những ngày đầu xuân này, ND Thái Bình đang khẩn trương làm đất gieo cấy vụ lúa xuân năm 2011. Nhờ thực hiện xong dồn điền đổi thửa trước Tết nên việc gieo cấy vụ xuân diễn ra thuận lợi, giảm chi phí, nhân công...
img
Ruộng đồng thôn Mễ Sơn II, Tân Phong (Vũ Thư) sau dồn đổi thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất.

Vụ làm đất năm nay ở Thái Bình, vui nhất là mấy bác lái máy cày, máy bừa. Ruộng đất sau khi dồn đổi rộng ra, dễ cho máy “tác nghiệp” mà bờ vùng, bờ thửa cũng to hơn, đi lại thuận tiện.

Quy hoạch lại ruộng đồng

Không như nhiều địa phương chỉ chọn 1 thôn làm điểm về dồn đổi ruộng đất, xã Tân Phong (Vũ Thư) triển khai đồng loạt trên tất cả các thôn. Sau dồn đổi, bình quân mỗi hộ ở chỉ còn 1,3 thửa ruộng. Thậm chí, thôn Mễ Sơn 2 mỗi hộ chỉ 1 thửa ruộng.

img Phong trào dồn điền đổi thửa đang diễn ra mạnh mẽ ở Thái Bình là điều kiện thuận lợi đầu tiên quan trọng để xây dựng NTM. img

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT

Lão nông Bùi Văn Hoàn hối thúc thợ cày bừa đẩy nhanh tiến độ làm đất, sảng khoái nói: “Nhà tôi có 6 sào ruộng, trước kia chia làm 3 thửa ở 3 nơi nên làm đất, cấy gặt phải di chuyển luôn.

Nay dồn về một thửa, việc làm đất, gieo cấy, gặt hái thuận tiện hơn nhiều...”. Nghỉ tay làm điếu thuốc lào, anh Khánh-thợ cày bừa góp chuyện: “Dồn đổi ruộng đất xong, đồng ra đồng, ruộng ra ruộng, trông đẹp hẳn ra. Cánh thợ cày bừa chúng tớ cứ cho máy chạy thẳng tưng, không còn cảnh cua góc liền tù tì như trước...”.

Tự Tân là xã thuần nông của huyện Vũ Thư nên việc dồn đổi ruộng đất là yêu cầu bức thiết đối với người dân. Ông Phạm Huy Giáp, thôn Đại An, chia sẻ: “Lao động trẻ khoẻ trong làng đi làm ăn xa hết, giá công cấy lên tới 150.000 đồng/người/ngày.

Một sào ruộng hết tới 300.000 tiền công cấy. Ruộng đất dồn đổi thành thửa lớn, dễ áp dụng cơ giới hoá, giảm chi phí cho nhà nông. Nhà có hơn 6 sào, cày bừa, tôi thuê máy gieo thẳng chỉ hết 15.000-20.000 đồng/sào...”.

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn khẳng định, phong trào dồn điền đổi thửa đang diễn ra mạnh mẽ ở Thái Bình là điều kiện thuận lợi đầu tiên quan trọng để xây dựng nông thôn mới.

Nội dung quan trọng của xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho ND. Muốn phát triển sản xuất thì phải quy hoạch được đồng ruộng, dồn đổi được ruộng đất. Đây cũng là tiền đề tạo vùng sản xuất thâm canh, chuyên canh tập trung, tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hoá...

Biết làm không khó

“Dồn đổi ruộng đất biết cách làm sẽ dễ. Cách làm hay, dân chủ thì dân đồng tình, ủng hộ. Bởi, dồn đổi ruộng đất có lợi nhất vẫn là người dân” - ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng thôn Mễ Sơn II, xã Tân Phong thổ lộ.

Chủ trương dồn đổi ruộng đất được bàn luận công khai, dân chủ tại chi bộ thôn Mễ Sơn II, tại hội nghị dân chính Đảng và thảo luận rộng rãi trong nhân dân. Ai cũng đồng tình, nhất trí với chủ trương, góp ý hoàn thiện phương án dồn đổi, nên việc dồn đổi ruộng đất diễn ra thuận lợi.

Trong quá trình thực hiện, nhiều hộ là anh em ruột thịt, họ hàng cùng chung nhau một thửa ruộng lớn. Việc này làm cho diện tích/thửa lớn hơn, số thửa/hộ giảm đi, tạo điều kiện để các hộ áp dụng thâm canh, gieo cấy cùng trà, cùng giống, thu hoạch cùng lúc, tưới tiêu thuận lợi hơn.

Ông Phùng Trung Bộ-Trưởng thôn Đại An, xã Tự Tân (Vũ Thư) cho biết: “Phải qua 6 cuộc họp, thôn Đại An mới xây dựng được phương án dồn đổi. Cả thôn nhất trí, trừ các hộ chính sách, còn lại đều xổ rối ruộng rồi bốc thăm”.

Cũng bốc thăm lấy ruộng, nhưng cách làm của xã Hồng Minh (Hưng Hà) là: Ruộng đất được chia làm các hạng A, B, C. Hộ 1-3 khẩu nhận 1 thửa hạng B, hộ từ 4 khẩu trở lên nhận 2 thửa có cả hạng A và hạng C. Theo quy hoạch chi tiết, diện tích đất dành để làm mương máng, bờ vùng, bờ thửa rất lớn, vài chục ha/xã.

Trong điều kiện không có kinh phí để hỗ trợ, đền bù, nhiều địa phương người dân nhiều đã hiến đất để làm kênh, mương thuỷ lợi, đường giao thông nội đồng. Việc tổ chức làm kênh, mương, đường giao thông nội đồng đều do dân bàn và tự quyết. Hộ neo người thì góp tiền trả công cho những hộ có nhân lực...