Thư tình sau song sắt: Anh dấu yêu!
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc em được trở về là chính em. Ngoài kia ánh trăng đêm vẫn sáng vằng vặc tỏa xuống toàn phân trại nơi em đang sống và cải tạo. Trời về đêm càng lúc càng lạnh, còn vầng trăng tuy rất đẹp và sáng nhưng lại khiến em buồn đến nao lòng. Có lẽ giờ này anh đang chìm sâu vào trong giấc ngủ để tìm thấy cho mình giấc mơ thật êm đềm. Anh có bao giờ thấy em xuất hiện trong giấc mơ không?".
Những dòng thư thật lãng mạn ấy, tôi vô tình đọc được trong một lần tới Trại giam Ninh Khánh. Đó là bức thư của một phạm nhân nữ gửi bạn trai cùng trại giam, đúng vào dịp lễ Tình nhân 14-2 (Valentine's Day).
Hơn cả những dịp lễ Tết, ngày của Tình nhân, lượng thư tại các trại giam bao giờ cũng tăng đột biến. Những bức tình thư của phạm nhân trong trại gửi cho nhau, của phạm nhân các trại giam khác gửi đến.
Không được gặp gỡ để trao cho nhau sự ngọt ngào như ngoài cuộc đời, tình yêu của các phạm nhân trong trại giam chỉ biết dồn vào những bức thư. Thư của phạm nhân đã từng yêu nhau ngoài đời, thư của những người quen nhau khi vào trại giam, thậm chí không ít người gửi thư tỏ tình với nhau chỉ qua lời kể của các bạn tù.
Phạm nhân Phạm Thị Quế và tấm thiệp thể hiện khát vọng tình yêu. |
Thư tình trong trại giam, phần lớn được thể hiện qua những bài thơ. Có dạng thơ "bắt chước" theo những vần thơ tình nổi tiếng, dạng thơ truyền khẩu giữa các phạm nhân, có không ít thơ của phạm nhân tự sáng tác. Dạng như: "Yêu trong xa cách đôi nơi/ Mà sao em vẫn bồi hồi chờ trông"; hay "Đừng bao giờ chúc em hạnh phúc/ Vì anh là hạnh phúc của đời em".
Cách xưng hô trong thư cũng đa dạng, có thư xưng hô anh - em, có thư xưng người ta - mình, lại có phạm nhân chỉ yêu nhau qua một cái liếc mắt khi đi qua khu vực giam giữ, đã gọi nhau là "vợ yêu", "chồng yêu"...
Do có nhiều thời gian rỗi nên những bức thư tình thường được phạm nhân "đầu tư" rất kỹ, nắn nót từng nét chữ, kẻ vẽ thêm hình thể hiện thông điệp tình yêu. Phạm nhân khéo tay còn tận dụng tất cả những gì có trong tay để trang trí như hoa khô, cỏ, rơm nhặt trong giờ lao động, phơi khô rồi chuốt từng sợi, tết thành những hình xinh xắn. Nhiều phạm nhân xin giấy màu từ cán bộ quản giáo để cắt hoa gắn lên bì thư.
Trong vô số những bức thư các phạm nhân gửi cho nhau ngày lễ Tình nhân, tôi sửng sốt trước một cánh thư trang trí khá cầu kỳ và đẹp mắt như tấm bưu thiếp được bán trong các cửa hàng lưu niệm, được chủ nhân tận dụng từ tấm thiếp cưới đã được khéo léo tẩy hết những dòng chữ đã in trên đó. Nổi lên trên tấm thiệp hồng, là hình trái tim đỏ thắm, xung quanh có gắn những bông hoa khô màu trắng nhỏ li ti, như giọt nước mắt hạnh phúc của những người đang yêu. Mặt trong của tấm thiếp là những dòng ngắn gọn nhưng nét chữ bay bướm: "Chúc cho tình ta mãi thăng hoa cùng năm tháng. Gửi trọn niềm tin yêu. Hoa Quỳnh Anh". Nhìn tấm thiếp, cũng biết chủ nhân làm ra nó phải có con mắt thẩm mỹ, đôi tay khéo léo và chắc chắn phải là một người trẻ tuổi.
Mặc dù "Hoa Quỳnh Anh" chỉ là biệt danh nhưng các nữ quản giáo đã nhanh chóng chỉ cho tôi người đã dày công làm ra. Đó là phạm nhân Phạm Thị Quế (22 tuổi), quê Vụ Bản, Nam Định, thụ án chung thân.
Năm 2007, Quế và bạn trai là Đoàn Văn Duy, đều đang là sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Dệt may Nam Định đã dàn dựng vụ giết người, cướp tài sản gây xôn xao dư luận. Là một cô gái quê lên thành thị học, nhiễm thói ăn chơi đua đòi, Quế đã tự biến mình thành "phù thủy" của tình yêu. Có tình cảm với Duy, nhưng Quế vẫn duy trì mối quan hệ với anh Triệu Quốc V. - một người đàn ông khác, chỉ vì anh ta có nhiều tiền.
Để rồi khi rơi vào nợ nần, Quế và Duy đã nảy ra âm mưu độc ác, lừa anh V. uống rượu pha thuốc ngủ, sau đó hạ sát để cướp tài sản. Kết cục Duy lĩnh án tử hình, còn Quế chịu án tù chung thân. Có lẽ mối tình đầu bi thảm nên những ngày đầu thụ án tại Trại giam Ninh Khánh, mặc dù là phạm nhân ít tuổi nhưng Quế luôn lầm lì, diễn biến tâm lý bất thường.
Hằng ngày, ngoài công việc của trại, hầu như Quế không tiếp xúc, nói chuyện với phạm nhân nào. Nhưng rồi tình yêu đã khiến trái tim tưởng như đóng băng của cô gái trẻ hồi sinh. Quế bất ngờ nhận được một lá thư làm quen của một phạm nhân nam tại Trại giam Thanh Phong, cũng đang chấp hành án chung thân như Quế. Thư đi, thư lại, hai bên tỏ tình, mặc dù chưa hề biết mặt nhau. Tình yêu sau song sắt thật kỳ lạ.
Sau những giờ lao động, Quế lại cặm cụi gấp giấy, trang trí lộng lẫy cho những lá thư tình yêu của riêng mình. Với hoa tay khéo léo, những bức thư của Quế bao giờ cũng nổi bật và khác biệt. Quế bảo sau này ra trại, sẽ mở một cửa hàng bán đồ lưu niệm nho nhỏ. Cửa hàng sẽ chỉ bán hàng do chính tay cô làm ra. Và đương nhiên, nhiều nhất sẽ là những món quà dành cho tình yêu, bởi những ngày trong trại giam, tình yêu đã giúp cô hướng thiện, tình yêu giúp cô hiểu ra giá trị đích thực của cuộc sống... Quế nhờ tôi chụp giúp bức ảnh để gửi tặng người yêu. Cô luống cuống tìm chiếc mũ yêu thích, khoanh tay tạo dáng để có bức ảnh đẹp nhất.
Ngọt ngào giấc mơ phục thiện
Theo cán bộ quản giáo cho biết, những mối tình nảy nở trong trại giam cũng đa dạng, muôn màu như chuyện tình ngoài cuộc đời. Nhiều phạm nhân sau khi ra trại đã tìm đến với nhau và thành đôi lứa trăm năm hạnh phúc. Cũng có phạm nhân khi ra trại trước, đã quên luôn "tình yêu" vẫn còn ở lại thụ án.
Xúc động nhất là những mối tình của các cặp vợ chồng cùng rơi vào vòng lao lý. Khi ở ngoài cuộc đời, những cơm áo, gạo tiền của cuộc sống hằng ngày khiến không ít đôi vợ chồng dần đánh mất tình yêu lãng mạn, mặn nồng thuở nào.
Đến khi vào tù, mặc dù cải tạo cùng trại giam nhưng theo quy định, họ không thể gặp nhau. Chỉ trao đổi với nhau qua thư từ, với họ hạnh phúc nhất là được nhìn thấy mặt nhau, trao cho nhau ánh mắt yêu thương, cái nắm tay tình tứ như thời mới yêu. Trả giá cho những sai lầm mắc phải, họ mới hiểu giá trị của tình yêu. Và một lần nữa, tình yêu đã phục sinh những trái tim lầm lạc.
Tôi nhớ mãi cuộc gặp gỡ của đôi vợ chồng dân tộc Thái tại Trại giam Thanh Xuân. Cái đói nghèo và sự thiếu hiểu biết đã khiến cặp vợ chồng Lò Văn Chanh, Lò Thị Som ở bản Nà Heo, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, Sơn La dại dột rủ nhau đi gùi thuê ma túy. Tiền chưa được bao nhiêu, cả hai vợ chồng đã phải vào tù, để lại 3 đứa con ngơ ngác như hươu, như nai trên rừng.
Cùng cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân nhưng mỗi người ở một phân trại khác nhau nên 4 năm sau, khi được giảm án, tha tù trước thời hạn nhân dịp Quốc khánh 2-9, Chanh mới có dịp gặp vợ. Som khi đó vẫn còn 2 năm thụ án do chịu mức án dài hơn chồng. Cuộc gặp gỡ của họ mừng mừng, tủi tủi, bởi một người chuẩn bị rời trại, còn một người chờ ngày tái ngộ.
Mắt Som đẫm lệ, nhìn chồng trách cứ bằng giọng Kinh chưa sõi: "Bằng ấy năm, sao không viết thư, để vợ lo, chẳng biết tình hình thế nào?". Chanh ngồi đờ ra trên ghế đá ngắm vợ, mặt đỏ nhừ ngượng nghịu rồi lắp bắp: "Tao có biết chữ đâu. Được cán bộ dạy chữ, nhưng già rồi, học không vào, viết sợ mày không đọc được...". Som lườm yêu chồng rồi thủ thỉ: "Được về với các con rồi, nhớ mà làm ăn lương thiện đấy"...