Dân Việt

Tiêu cực tại các lễ hội: Quản lý kém phải bị xử lý

15/02/2011 17:36 GMT+7
(Dân Việt) - Những lộn xộn, tiêu cực tại các lễ hội có một phần nguyên nhân từ việc thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra ở cơ sở. NTNN trao đổi với ông Vương Duy Bảo - Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT&DL) về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về tình hình lễ hội xuân những ngày qua?

- Nhờ chỉ đạo sát sao của Chính phủ và những chuyến kiểm tra, làm việc trực tiếp của ngành VH-TT&DL với các địa phương ngay từ trước Tết tại các địa phương như Phú Thọ, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam… nên nhìn chung các lễ hội được tổ chức, quản lý tốt, đi vào nền nếp, chưa có những vi phạm lớn.

img
Người dân đi lễ tại Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

Nhưng một số nơi vẫn có hạn chế như còn lộn xộn, ùn tắc, còn tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách, bày bán thịt thú rừng như ở hội chùa Hương. Ý thức một bộ phận người dân chưa chuyển biến nên còn xả rác, mất vệ sinh, ảnh hưởng cảnh quan. Vẫn có cờ bạc trá hình, bán thẻ, xóc thẻ công khai, như ở chợ Viềng…

Những tiêu cực này vẫn thường tái diễn hàng năm. Vậy việc quản lý, kiểm tra được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Bộ cũng như các Cục, Vụ liên quan đã làm nghiêm túc trong triển khai, uốn nắn hoạt động tổ chức lễ hội theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng trên thực tế, lễ hội cấp tập, tại nhiều địa bàn, lượng người lại đông nên không thể không nảy sinh những vấn đề đáng ngại.

Có cung thì có cầu, và trong cơ chế thị trường, nhiều người coi đây là cơ hội "kiếm ăn". Tôi cho rằng, vai trò tổ chức, quản lý, kiểm tra và xử lý của các cơ quan chức năng địa phương là rất lớn, là mấu chốt, nhưng vẫn có những nơi thực hiện chưa nghiêm.

Cụ thể và trước hết là trách nhiệm của cơ quan nào ở địa phương?

img Chủ trương xã hội hoá là kêu gọi toàn dân tham gia quản lý lễ hội cho tốt, trên cơ sở văn bản quản lý, chỉ đạo của nhà nước. Tôi cho rằng, việc đấu thầu dịch vụ trong lễ hội còn lỏng lẻo, không thực hiện nghiêm các nguyên tắc đảm bảo cho lễ hội văn minh, sạch đẹp. img

Ông Vương Duy Bảo

- Đó là cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá như Sở VH-TT&DL, Phòng VH-TT…, là chính quyền sở tại, những người trực tiếp chỉ đạo, quản lý lễ hội. Tôi nghĩ họ còn nương tay, còn dung túng nên tiêu cực vẫn diễn ra.

Ví dụ như trước hội chùa Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức đã hứa trước các cơ quan là không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực như báo chí vẫn phê phán nhiều năm, thực tế thì không như lời hứa.

Tại sao trước kia nạn chùa giả bị dẹp bỏ một cách kiên quyết mà nay nạn chèo kéo khách đi đò, bán thịt thú rừng… vẫn không giải quyết được?

Vậy với vai trò quan trọng, nhưng thực hiện lại chưa nghiêm túc thì các đơn vị đó phải bị xử lý chứ?

- Tôi cho rằng, các vi phạm thì phải bị xử lý, còn các bộ phận chức năng ở cơ sở mà không thực hiện nghiêm chỉ đạo, không hoàn thành trách nhiệm cũng phải chịu hình thức xử lý thoả đáng.

Với thực tế hội xuân những ngày qua, Bộ VH-TT&DL có tiếp tục triển khai hoạt động chấn chỉnh?

- Cục Văn hóa cơ sở sẽ có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ và cử đoàn đi các địa phương để nắm bắt tình hình. Còn theo kế hoạch của Bộ và các vụ, cục chức năng, sẽ tiếp tục có các cuộc kiểm tra việc thực hiện văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Phía thanh, kiểm tra cũng sẽ có kế hoạch làm việc.

Xin cảm ơn ông!