Công Vinh. Ảnh: Vnexpress |
Cái dây chằng đầu gối trái được phẫu thuật bằng phương pháp hiện đại, nối từ một đoạn gân gót chân nhưng ngay cả các bác sĩ lành nghề khác cũng không đảm bảo là nó sẽ vĩnh viễn không giở chứng nhất là với môn thể thao đòi hỏi cường độ vận động cao như bóng đá.
Tuy vậy, điều ấy không đáng lo. Trở ngại lớn nhất mà Công Vinh phải vượt qua là vấn đề tâm lý. Gần một năm trước, Công Vinh có hành động vái lạy trọng tài ở sân Cao Lãnh và sau đó tuyên bố "giải nghệ" nếu không được giảm án kỷ luật. Hình ảnh Công Vinh đã phai nhạt rất nhiều trong lòng người hâm mộ. Thậm chí Hà Nội T&T vô địch V.League 2010 mà không ai nhắc đến vai trò của Công Vinh, khi ĐTVN thua ở bán kết AFF Cup cũng không có ai thốt lên "giá mà có Công Vinh".
Cuộc đời vẫn thế, mua danh ba vạn, bán danh chỉ ba hào. Để được mọi người yêu mến, thừa nhận, Công Vinh phải mất vài năm, nhưng chỉ vài giây không suy nghĩ, Công Vinh đã mất quá nhiều.
10 tháng vật lộn với chấn thương, quá đủ để Công Vinh nhìn nhận mình phải làm điều gì để lấy lại hình ảnh vốn có. Nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Hà Nội T&T đã từng thành công mà không cần có Công Vinh, bởi thế nếu Vinh trở lại mà Hà Nội T&T thất bại chắc chắn cầu thủ này sẽ là người đầu tiên chịu nhiếc móc.
Song, đó là điều mà Công Vinh phải chấp nhận, phải vượt qua, không còn cách nào khác. Chủ nhật tới đây, nếu Công Vinh ra sân, cầu thủ này sẽ bị soi từng phút và sẽ được "chăm sóc đặc biệt" bởi hậu vệ đối phương cũng như những người hâm mộ - cả những người yêu và ghét Công Vinh.
Vi Thành