Ông Nguyễn Văn Thân - Tổ trưởng THT trồng thanh long xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, Trà Vinh cho hay.
Nhờ trồng thanh long trái vụ, nhiều nông dân có thu nhập cao. |
Cơn bão số 9 (năm 2008) tàn phá vườn cây ăn trái, ông Nguyễn Văn Thân ở ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ đã thiết kế lại khu vườn 20.000m2, rồi lên huyện Châu Thành (Long An) học kỹ thuật trồng và cho thanh long ra trái mùa nghịch.
Hình thành tổ hợp tác
Vụ đầu tiên thắng lợi là nguồn động lực để vợ chồng ông Thân cải tạo phần vườn tạp còn lại để trồng thanh long. Vườn thanh long của ông đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn làm điểm trình diễn cho ND tham quan, học tập.
Bà Nguyễn Thị Hường - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Càng Long
"Cuối năm 2010, chi hội ấp Đại Đức có 20 hộ trồng thanh long, với tổng diện tích trên 10ha" - ông Phan Văn Việt - Thường trực Đảng ủy xã Đức Mỹ (nguyên Chủ tịch Hội ND xã) thông tin.
Năm 2010, Hội ND xã Đức Mỹ hướng dẫn các hộ trồng thanh long xây dựng THT sản xuất - tiêu thụ thanh long, gồm 18 thành viên, do ông Nguyễn Văn Thân làm tổ trưởng. "Chúng tôi đề nghị Ngân hàng CSXH cho 9 hộ vay 124 triệu đồng để mua cây giống, trụ đá làm nọc, phân bón…" - ông Thân cho biết.
Anh Võ Văn Tiên được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng để trồng 4.000m2 thanh long. Riêng Tết Tân Mão này, gia đình anh thu gần 7 triệu đồng. Gia đình Võ Văn An có 2.500m2 thanh long cũng thu hơn 3 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Thân, được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng trồng thanh long ruột đỏ trái vụ. Tết Tân Mão, ông bỏ túi chục triệu đồng.
Xin ra khỏi hộ nghèo
Xã Huyền Hội còn 533 hộ nghèo. Nhiều hộ phải bán hoặc cầm cố ruộng trả nợ, quanh năm đi làm mướn. Theo ông Phạm Hữu Hạnh - Chủ tịch Hội ND xã Huyền Hội, năm 2010, trong tổng số 8,52 tỷ đồng dư nợ Ngân hàng CSXH cho vay 6 chương trình, thì 5,183 tỷ đồng là chương trình cho vay xóa nghèo và chương trình giải quyết việc làm.
"Chúng tôi phối hợp với Hội ND, Hội Phụ nữ… khảo sát nhu cầu vốn sản xuất của các hộ để giải ngân” - anh Nguyễn Quốc Khánh - cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Càng Long cho biết. Gia đình anh Từ Ngọc Đông ở ấp Sóc, con đông lại không có ruộng. Năm 2007, được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng, anh mua 2 con bò sinh sản. “Tôi đã trả xong nợ ngân hàng. Năm 2011 này, tôi sẽ xin ra khỏi hộ nghèo” - anh Đông tâm sự.
Chỉ có 3.000m2 đất sản xuất, vợ chồng chị Lê Thị Đâu ở ấp Trà On, phải bán đi vì nợ nần. “Đầu năm 2010, Ngân hàng CSXH cho chị vay 10 triệu đồng để nuôi lợn. Tết này chị đã có tiền sắm Tết, mua quần áo mới cho con. Hội sẽ giúp gia đình chị xóa xong nghèo trong năm 2011" - ông Hạnh quả quyết.
Hội ND xã Huyền Hội còn làm chủ dự án "giải quyết việc làm" tại chi hội ấp Bình Hội, với tổng số tiền 68 triệu đồng. Từ vốn này, 4 lao động trong gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn quanh năm có việc làm nhờ trồng lúa, trồng màu và nuôi heo sinh sản. Năm 2010, tổng doanh thu từ các nguồn của gia đình anh là trên 100 triệu đồng. Anh cũng vừa cất lại căn nhà khang trang.
"Cuối năm 2010, bà con hoàn trả đầy đủ gốc - lãi để Ngân hàng CSXH huyện ủy thác cho Hội ND xã Bình Phú" - ông Hạnh cho biết.
Khuynh Diệp