Vào lúc 16h chiều 15-2, lệnh bắt giữ đã được thực hiện tại trụ sở cơ quan an ninh điều tra. Ngay sau đó, cơ quan an ninh điều tra đã thi hành lệnh khám xét tại trụ sở VFC tại 120 Hàng Trống và nhà riêng bà Hậu tại khu biệt thự 628 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
Những nguồn tin ban đầu cho hay, bà Trịnh Thị Hậu, sinh năm 1964, với tư cách Phó Giám đốc phụ trách tín dụng của VFC, được cho là có liên quan trong vụ mua sắm thiết bị cũ cho dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng của Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh
Trước đó, ngày 3-9-2010, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố bị can và bắt giữ ông Nguyễn Văn Tuyên - Nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh, chủ đầu tư trong vụ mua sắm thiết bị cho Dự án Sông Hồng.
Ông Nguyễn Văn Tuyên đã quyết định mua hai nhà máy nhiệt điện cũ từ những năm 1960 của Hàn Quốc, đã ngừng hoạt động từ năm 2004, trong đó có các biến thế có chứa chất độc hại mà Chính phủ Hàn Quốc cấm xuất, Chính phủ Việt Nam cấm nhập.
Hành vi cụ thể của ông Nguyễn Văn Tuyên là sử dụng giấy tờ giả mang danh Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương để nhập số thiết bị trên về Việt Nam gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau đó hai tháng, đến lượt Phó Tổng Giám đốc của Hoàng Anh là Đỗ Đình Côn cũng bị bắt giữ về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
VFC là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) được thành lập tháng 12-1998 với chức năng chủ yếu là thu xếp vốn cho các dự án đầu tư, thực hiện các đề án phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, nhận uỷ thác quản lý vốn và cung cấp các dịch vụ tài chính cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.
Giám đốc của VFC, trước khi bà Hậu được bổ nhiệm tháng 1 năm ngoái, là ông Hồ Ngọc Tùng đã “đi chữa bệnh tại Australia” chỉ vài ngày trước khi Tổng Giám đốc Vinashin Nguyễn Thanh Bình bị bắt giữ. Hiện ông Tùng vẫn chưa trở về Việt Nam.
Anh Đào