Xuất lậu để… chống lỗ
Những ngày qua, khi giá xăng dầu thế giới đang nhích dần lên thì “hoa hồng” từ các doanh nghiệp đầu mối cho các cây xăng chỉ còn khoảng 150 đồng/lít. Nhiều chủ cây xăng vò đầu bứt tai không muốn bán ra vì mức “hoa hồng” này quá thấp, không đủ bù chi phí hoạt động của cây xăng.
Một cửu vạn người Campuchia chở xăng ngang trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An. |
Trao đổi với NTNN, ông Võ Thiện Ngộ - Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, từ trước Tết Nguyên đán cơ quan này đã phải có những buổi làm việc “chia sẻ khó khăn” với các tổng đại lý và các công ty xăng dầu. Mức “hoa hồng” quá thấp nên doanh nghiệp nào càng bán nhiều càng lỗ nặng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải tính toán để cung ứng đủ lượng xăng dầu cho thị trường”- ông Ngộ nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi các doanh nghiệp nằm sâu trong nội địa đang kêu trời vì kinh doanh không có lãi, nhập xăng dầu nhỏ giọt thì những cây xăng sát biên giới lúc nào cũng trong tình trạng “hết xăng”. Hiện nay, mức chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam và Campuchia là khá cao, khoảng 5 - 6 nghìn đồng/ lít nên nhiều trụ xăng dọc đường biên “ưu tiên” bán xăng cho con buôn với giá cao để… bù lỗ.
Theo điều tra của chúng tôi, nhiều cây xăng dọc biên giới huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) bán xăng cho con buôn với giá cao hơn thị trường trong nước từ 1.100-1.500 đồng/ lít để thu lợi nhuận. Một nông dân ở xã Hưng Điền bức xúc: “Dân buôn lậu mua giá cao, qua Campuchia bán lại cũng còn lời. Nông dân tụi tui mua xăng dầu sản xuất nông nghiệp cũng phải cắn răng trả giá cao vì không mua ở đây thì mua ở đâu? Chỗ nào cũng bán kiểu như vậy”.
Thản nhiên chạy qua chốt gác
Đi dọc tuyến biên giới tỉnh Long An, đâu đâu cũng thấy dân cửu vạn chở xăng sang biên giới hết sức nhộn nhịp mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Rạng sáng 14.2, chúng tôi từ đất bạn Campuchia theo một nhóm 7 - 8 cửu vạn nữ về Việt Nam theo cửa khẩu Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa, Long An).
Nhóm này chạy thẳng đến cây xăng Khánh Dương (thị trấn Mộc Hóa). Dựng mấy chiếc xe loại “3 càng” (phía sau lắp một lúc 3 phuộc để tải nặng - PV), một phụ nữ Campuchia mở các nắp can và phát âm tiếng Việt khá chuẩn: “Cứ đổ đầy rồi tính tiền một lượt”.
Khi nhân viên trạm xăng bơm đầy 4 can loại 30 lít, từng chiếc xe không biển số này bắt đầu rời cây xăng, chạy ngang trụ sở công an huyện rồi vòng qua vòng xoay, ung dung chạy ngang Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng. Xe chở xăng tiếp tục chạy ngang trạm kiểm soát liên hợp, ngang trụ sở Đội quản lý thị trường số 2 và tiến thẳng về cửa khẩu. Càng bất ngờ hơn, đến cửa khẩu, trong khi những người khác đều phải xuống xe trình báo hải quan, kiểm tra hàng hóa thì dân cửu vạn đai xăng không một ai xuống xe mà thản nhiên chạy qua nhiều chốt gác, qua thẳng Campuchia.
Tại thị trấn Vĩnh Hưng, nhiều bãi xăng tập kết “lộ thiên” trên đường chính để chở sang Campuchia. Kề vựa heo Trúc Ly (gần cổng Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Hưng), nhiều xe gắn máy không biển số loại “3 càng” sau khi chất đầy xăng lại vun vút lao về biên giới theo ngõ Tà Nu, Cả Trốt…
Thấy tôi giơ máy lên chụp hình, một cửu vạn có lẽ… ngại nên lấy tấm bạt xanh che đống can lại rồi nói giọng lơ lớ: “Tranh thủ kiếm cơm thôi, chụp hình chi mấy cha?”.
Theo quan sát của chúng tôi, dân cửu vạn chuyên nghiệp thì chở công khai, còn dân mới “ra ràng” thì nhát hơn, phải dùng bìa các tông hoặc bao nilon che lại dù rất sơ sài.
Hữu Danh - Phương Dung