Cái nhìn ác cảm
Đám cưới một cặp đồng tính nữ gây xôn xao ở Hà Nội (ảnh minh họa). |
L.T.Tuấn là sinh viên một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Đẹp trai, cao to, nhưng Tuấn lại thường xuyên bị trêu chọc vì những điệu bộ, cử chỉ không được nam tính cho lắm. Mặc dù đã cố giấu, Tuấn đành phải thừa nhận với nhiều người là mình chỉ thích con trai. Cũng từ đó, nhiều người, kể cả một số bạn bè rất thân đều “dè chừng” Tuấn.
Dần dần Tuấn sinh ra mặc cảm với chính con người thật của mình. Tâm sự với tôi, Tuấn cho biết: “Vì là người đồng tính, tôi rất khó hòa nhập được với mọi người. Cuối cùng, cách tôi chọn để có thể “sống thật”, đó là lên các diễn đàn của người đồng tính ở trên mạng. Bạn tôi bây giờ đa phần đều là dân đồng tính cả”.
Không chỉ Tuấn, rất nhiều người đồng tính khác cũng đã và đang sống trong nỗi ám ảnh với sự khác biệt về giới tính của mình, nhất là người đồng tính khu vực nông thôn. Nhiều người chọn cách sống giả, cố hết sức không để mọi người phát hiện ra mình là người đồng tính. Nhưng đến khi “cái kim trong bọc lòi ra” thì bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười xảy ra.
N.H.Nam (ở Phủ Lý, Hà Nam) vẫn còn nhớ như in ngày Nam “tự thú” với gia đình tình yêu của mình. Ban đầu, bố mẹ Nam nghĩ Nam chỉ đùa. Nhưng sau khi nhìn ánh mắt khá đặc biệt của “cặp đôi”, bố Nam đã nổi giận đùng đùng đuổi Nam ra khỏi nhà. “Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới dám về nhà để đối mặt với bố mẹ. Tôi phải chia tay với “người yêu” của mình và trở lại sống trong vỏ bọc của một chàng trai. Bố mẹ nhìn tôi khác đi và thường xuyên dặn dò tôi tuyệt đối không được “bật mí” giới tính của mình cho ai biết” – Nam chia sẻ.
Xin đừng coi đồng tính là “bệnh”
Đó là lời nói rất thật của nhiều người đồng tính, khi mà một số bộ phận trong xã hội vẫn coi đó là một thứ bệnh tật.
“Không thể nói đồng tính là một căn bệnh. Chúng tôi chỉ là những người thuộc giới tính thứ 3. Bản thân chúng tôi cũng chẳng ai muốn như vậy. Nhưng đã là người đồng tính, chúng tôi muốn được sống thật với chính mình và cũng muốn có những quyền lợi dành riêng cho người đồng tính, được pháp luật bảo vệ” – một ca sĩ nổi tiếng (xin được giấu tên) chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người đồng tính cũng phải sống trong sự kỳ thị, xúc phạm danh dự. Chính điều đó đã khiến cho họ phải sống khép mình, sống khác với thân phận của mình. Luật bảo vệ người đồng tính đang soạn thảo được rất nhiều người đồng tính chờ đợi.
“Tôi được biết pháp luật luôn bảo vệ danh dự và nhân phẩm của mỗi con người. Đồng tính cũng là con người, cũng cần được pháp luật bảo vệ. Có pháp luật dành riêng cho chúng tôi, có chế tài để xử phạt những người kỳ thị đối với người đồng tính sẽ là cách nhanh nhất để chúng tôi có thể hòa nhập cộng đồng” – L.T.Tuấn bộc bạch.
Vừa rồi, đám cưới công khai của cặp đôi đồng tính nữ Q.M và T.L, đều là sinh viên đại học ở Hà Nội đã khiến dư luận xôn xao và có nhiều ý kiến trái chiều. N.H.Nam cho biết, người đồng tính cũng có nhu cầu về sinh lý như những người bình thường khác.
Không được tự do yêu đương hoặc yêu đương lén lút nên Nam và nhiều bạn bè đồng giới khác thường mắc các chứng bệnh liên quan đến tâm lý. Để có thể sống như một người bình thường, họ buộc phải yêu và lập gia đình với những người khác giới dẫn đến nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ. “Đã đến lúc pháp luật phải coi đồng tính là giới tính thứ 3, có các quyền như 2 giới tính còn lại” – Nam chia sẻ.
---------------
(Còn tiếp)
Hoàng Đức Nhã