Một số tàu thuyền chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại sang nước bạn. |
Ra khơi là trúng
Ngư dân Gành Cả (xã Bình Châu) nổi danh cả nước ở nghề lặn cá đêm. Lặn xuống biển sâu, dùng cây sắt nhọn đâm cá mang lên ban ngày là chuyện bình thường, nhưng lặn ban đêm, ở độ sâu hàng chục mét, tại các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa... thì không có mấy nơi làm chuyên nghiệp như ngư dân Gành Cả. Đây là một trong những thôn hiếm hoi của miền Trung hiếm có hộ nghèo, nhà tạm. Hầu như cả thôn đều là nhà xây, phần lớn là 2-3 tầng.
Ngư dân Lê Trung Quảng (37 tuổi), đã 10 năm gắn bó với nghề, cho biết: Bình quân mỗi chuyến ra khơi kiếm được 100-200 triệu đồng, lãi 70-100 triệu đồng. Một số tàu may mắn hơn, có thể thu nhập 250-300 triệu đồng chỉ trong 1 chuyến biển (1 tháng).
Xuất ngoại hợp pháp
Thu nhập khá, thế nhưng những vùng biển xa của Việt Nam, mà nhất là Hoàng Sa, không phải là ngư trường dễ làm ăn vì thời tiết thất thường, an ninh có lúc phức tạp. Để mở rộng ngư trường và đảm bảo an toàn khi đánh bắt, ngư dân Gành Cả tìm hiểu thông tin, quan hệ với các doanh nghiệp có thể lo được pháp nhân xuất ngoại, tìm cách qua nước bạn hành nghề. Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2010, 8 chiếc tàu đầu tiên ở Gành Cả có được giấy phép lên đường sang Malaysia để hành nghề lặn tôm, cá và hải sâm.
Sáng 15.2, chiếc tàu cá cuối cùng của Quảng Ngãi đi chuyến biển đầu năm tại vùng biển Hoàng Sa đã cập Cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn). Đó là tàu của ông Phạm Minh Sách (Bình Châu, Bình Sơn). Ông Sách đi đánh cá chuồn từ 24.12.2010 - thời điểm ngư dân đi chuyến biển đầu năm mới. Tàu ông đánh bắt được 10 tấn, lại thêm giá cá lên tới 27.000 đồng/kg, nên riêng ông lãi 25 triệu đồng, lao động trên tàu mỗi người được chia 14 triệu đồng.
Ngoài chi phí để được xuất ngoại (5.000-15.000 USD/tàu/năm), hàng tháng mỗi chủ tàu Gành Cả phải đóng tiền thuế cho nước chủ nhà khoảng 40 triệu đồng. So với trong nước, việc lặn ở ngư trường Malaysia có nhiều thuận lợi hơn. Như độ sâu chỉ khoảng 20m, bằng ½độ sâu so với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng sản lượng đánh bắt lại nhiều hơn.
Bình quân mỗi chuyến ra khơi (35-45 ngày) tại ngư trường nước bạn, trừ chi phí, thu nhập của mỗi ngư dân đạt 15- 20 triệu đồng, gấp 2 lần so với đánh bắt ở ngư trường trong nước.
Lúc đầu do bất đồng về ngôn ngữ, thiếu hiểu biết về phong tục tập quán, nên việc đánh bắt và bán hải sản tại cảng nước bạn gặp nhiều khó khăn. Để chủ động trong giao dịch, ngư dân Gành Cả tìm người Việt đang sinh sống tại Malaysia để học tiếng.
Để rèn luyện các thuyền viên thống nhất dùng tiếng Malaysia trong sinh hoạt hàng ngày. Nhờ vậy mà việc học tiếng nhanh dần và tiến bộ hơn nhiều. Bây giờ thì gặp ngư Gành Cả có thể chào hỏi làm quen, thỏa thuận giá cả, mua bán với người Malaysia bằng tiếng người bản địa.
Trong năm 2010, ngư dân Gành Cả đã thực hiện 6 chuyến xuất ngoại sang lặn ở Malaysia, trung bình mỗi chuyến lãi 280 triệu đồng/tàu. Tổng số tiền mà các ngư dân xuất ngoại mang về không dưới 10 tỷ đồng. Thắng lợi này đang làm cho nhiều ngư dân khác ở Gành Cả háo hức noi theo. Xuất ngoại (hợp pháp) đánh cá đang mở ra hướng đi mới, đầy hiệu quả cho ngư dân Quảng Ngãi.
Công Xuân