Người xứ Mường nơi đây bảo, công đầu trong việc giữ gìn báu vật vô giá đó là của hai người hùng mà giờ đây dân thành phố trẻ này ai cũng quen tên biết mặt...
Hai người hùng đó là ông Nguyễn Văn Nghiêm và Nguyễn Tiến Tý (xã Dân Chủ, TP.Hoà Bình) - những người đã… vứt bỏ mọi thứ để đi theo tiếng gọi của rừng.
Ông Tý dưới tán rừng mới trồng. |
Có tới 200 cây di sản
Theo chỉ dẫn của người dân, vòng vèo dưới tán rừng râm mát, chúng tôi tìm đến nhà “người hùng” Nguyễn Văn Nghiêm. Ông Nghiêm bảo, trước đây, nhà ông ở ngoài phố, nhưng từ hồi “sống chết với rừng”, ông chuyển hẳn vào đây ở. Điện thoại, uống chưa hết tuần trà thì ông Tý, cộng sự chung thủy của ông Nghiêm tới. Và, câu chuyện về khu rừng kỳ lạ này được hai ông hồ hởi tái hiện.
Theo hai ông, rừng lim cổ thụ này đã tồn tại được vài thế kỷ. Người già ở đây cũng không biết báu vật này có tự bao giờ. Trải qua mấy trăm năm, những bóng lim vẫn thế, bốn mùa xanh um. Để chúng tôi được thưởng thức “hương vị của rừng”, hai “kiểm lâm viên” ấy đã kéo chúng tôi ra rừng vừa thực địa vừa chuyện trò.
Giữa trời hè nóng bức nhưng khi đứng dưới tán rừng trời dịu mát hẳn. Khu rừng giống một chiếc điều hoà khổng lồ vậy. Những gốc lim xù xì 2 người ôm không hết mọc lên san sát.
Tiến lên phía đỉnh núi, số lượng cây to xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Theo ông Tý, khu rừng hiện có hơn 300 cây lim cổ thụ được đánh số để bảo vệ. Ông Tý so sánh, ở nước ta cây lim to nhất phải kể đến ở Yên Cát (Như Xuân - Thanh Hoá), với đường kính khoảng 1,5m. Trong khi đó, ở khu rừng lim này có hàng chục cây lim có đường kính tương đương. Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường, những cây sống trên 200 năm được coi là Cây di sản Việt Nam. Nếu xét theo tiêu chí này rừng lim này có trên 200 cây được coi là Cây di sản.
Ông Nghiêm kể, ngày nào ông cũng phải “đi tuần” hết rừng lim này để kiểm tra. Lim là loại gỗ quý, bọn lâm tặc luôn rình rập, hễ 2 ông sơ hở là vác cưa vào rừng. Đêm đến nghe có tiếng động lạ trong rừng hoặc có nguồn tin báo là hai ông tức tốc đi ngay.
Giữ rừng không công
Ông Tý trước đây vốn là kiểm lâm. “Bệnh nghề nghiệp” khiến ông yêu rừng da diết. Hơn nữa, khi ấy, ông xa xót khi thấy báu vật rừng lim đang bị lâm tặc ngày đêm đe dọa. Vậy là ông khẩn thiết xin chính quyền để ông đứng ra trông coi, bảo vệ rừng lim này. Khi làm đơn xin, ông thấy nhiều người cũng có nỗi lo lắng như mình. Thế nhưng, việc đời còn nặng nên chẳng ai dám… “ôm rơm”. Nhận đơn của ông, chính quyền xã mừng lắm. Vậy là chưa đầy chục ngày sau, ông Tý đã là chủ nhân của khu rừng rộng mấy chục héc ta ấy.
Sau một thời gian trông coi, thấy sức mình không thể đảm đương, ông Tý “tuyển” thêm cộng sự và ông Nghiêm là người được chọn. Như ông Tý, ông Nghiêm cũng sẵn sàng bỏ mọi thứ để sống chết với rừng. Ông Tý kể, khi nhận khu rừng này, cả hai ông đều bị gia đình, xóm làng bảo các ông là gàn là dở. Đang yên lành thì lại bỏ nhà lủi thủi vào nơi thâm u trông những gốc cây vô hồn mà chẳng có một xu một cắc thù lao. Bỏ mặc những lời gièm pha ấy, hai ông cứ chung thủy với những gì mình đã chọn.
Đến mùa hái quả
Khi tán rừng đã khép, lớp cây bụi cộng sinh được dịp sinh sôi nảy nở. Nói như ông Tý, lớp cây bụi này chính là những loài cây thuốc quý của bà con người Mường. Ngoài ra còn khai thác được nấm linh chi.
Ven khu rừng là 2 hồ nước trong xanh Nà Sung, Nà Thèn giống như 2 viên ngọc giữa rừng vậy. Nước để dùng cho sinh hoạt và sản xuất. Đây cũng là môi trường lý tưởng để nuôi cá nước ngọt, mỗi năm hai hồ cũng mang lại vài tấn cá thương phẩm.
Trước lúc lên thăm khu rừng, tôi có để ý phía trước ngôi nhà hai ông ở là hàng nghìn cây lộc vừng và sanh si. Hai loại cây cảnh này mang lại lợi ích kinh tế rất cao. Mỗi cây lộc vừng tuổi thọ từ 5-10 năm, giờ bán rẻ cũng có tiền tỷ. “Nó là của để dành của chúng tôi. Trồng loại cây này không nóng vội được, đời mình không hưởng thì đời con sẽ được gặt hái”.
Cách đây 3 năm, ông Tý còn cất công về Viện Chăn nuôi để học hỏi mô hình nuôi lợn rừng, giống nhập từ Thái Lan. Giờ đây đàn lợn rừng này đã bắt đầu cho thu hoạch. Mồ hôi công sức của 2 chàng “ngự lâm” đã mang lại kết quả. Và sau mỗi năm thành quả đó lại cao hơn.
Trịnh Tế - Tân Dân