Dân Việt

Đề xuất đóng cửa rừng tự nhiên: Ngăn tiêu cực, chống phá rừng

25/10/2012 14:06 GMT+7
(Dân Việt) - Tuy đồng thuận với đề xuất đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc song nhiều ý kiến cho rằng, cần tính toán kỹ nên “đóng” những loại rừng tự nhiên nào, trong thời gian bao lâu để tránh tình trạng lãng phí, tốn tiền nhập khẩu gỗ...

Cho rừng được “thở”

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, chỉ trong 9 tháng đầu năm, cả nước xử lý 2.735 vụ phá rừng, gần 11.000 vụ mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép. Vì thế, nhiều ý kiến đã kiến nghị và đề xuất, Chính phủ cần ra lệnh tạm thời đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc.

img
Việc khai thác gỗ rừng tự nhiên theo giấy phép dễ nảy sinh tiêu cực (chụp tại Mường Do, Phù Yên, Sơn La).

Là địa phương đã từng “khóa rừng”, ông Ma Quang Trung- Giám đốc Sở NNPTNT Lào Cai cho rằng: “Nếu không đóng cửa rừng, thì việc lợi dụng cấp phép khai thác rừng diễn ra rất khó quản lý, lợi bất cập hại. Rừng tự nhiên bị tàn phá, trong khi rừng trồng lại không được khuyến khích. Từ khi thực hiện "khoá rừng", rừng của Lào Cai phát triển tốt hơn, người dân, doanh nghiệp cũng phấn khởi, tích cực tham gia trồng rừng”.

Cũng theo ông Trung, sau khi đóng cửa rừng, các doanh nghiệp, hộ tư nhân làm nghề chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng thực hiện chuyển đổi sản xuất từ "khai thác" sang "trồng rừng" hoặc chế biến các nguồn lâm sản khai thác được từ sản xuất. “Chỉ có đóng cửa rừng, thì người trồng rừng mới bán được sản phẩm và được trả công xứng đáng" - ông Trung nói.

Dù là một đơn vị sống bằng nghề rừng, nhưng ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Giám đốc Lâm trường Phù - Bắc Yên (Sơn La), hiện quản lý hơn 8.300ha rừng; trong đó có 5.000ha rừng tự nhiên cũng rất ủng hộ chủ trương này. “Giữ rừng tự nhiên bằng giải pháp đóng cửa rừng không chỉ bảo vệ được rừng ngày một giàu thêm, mà còn góp phần mở rộng rừng cho mỗi địa phương và giúp người dân-những chủ rừng sống được bằng nghề rừng” - ông Nghiêm nói.

Ông Hoàng Văn Đông - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP số 5, đơn vị được giao quản lý 4.700ha rừng ở huyện Thanh Chương – Nghệ An (trong đó có 2.700ha rừng phòng hộ thuộc nhóm rừng tự nhiên) nói: “Việc đóng cửa rừng trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Nếu khai thác nhưng không quản lý tốt sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực. Việc không cho phép khai thác rừng tự nhiên cũng không ảnh hưởng Tổng đội, vì kinh phí hoạt động đã được cấp và các đội viên cũng đã được giao diện tích rừng trồng đủ để sản xuất”.

Cấm chỗ nào, cấm bao lâu?

Phú Yên không khai thác gỗ rừng

Ông Cao Hữu Lộc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên cho biết, rất hoan nghênh đề xuất đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc.Theo ông , trong những năm qua, Phú Yên liên tục cắt giảm chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên. Nếu như trước năm 1997 khai thác bình quân khoảng 20.000m3 gỗ/năm, đến năm 2000 giảm xuống còn 8.000m3 gỗ/năm và năm 2011, dù được trung ương cho phép khai thác 4.000m3 gỗ rừng tự nhiên nhưng tỉnh không thực hiện. Phú Yên cũng đang khuyến khích người dân phát triển trồng rừng và việc sử dụng gỗ rừng trồng trong các cơ sở chế biến gỗ. Phú Yên hiện có khoảng 45.000ha rừng trồng, trong đó nhiều diện tích đang đến kỳ khai thác, đủ cung ứng nhu cầu sử dụng gỗ tại chỗ. Vì thế, tỉnh sẽ “vui vẻ” với chủ trương đóng cửa rừng toàn quốc.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh) nói: “Việc cho phép khai thác rừng tự nhiên theo chỉ tiêu được giao như hiện nay rất dễ phát sinh tiêu cực như khai thác quá diện tích, không đúng chủng loại cây được cấp phép, đặc biệt là hiện tượng quay vòng giấy phép đã làm một diện tích rừng lớn bị triệt hạ một cách… hợp pháp. Giải pháp đóng cửa rừng được nhiều tỉnh, trong đó có Tây Ninh áp dụng từ hàng chục năm nay, nên áp dụng cho toàn quốc”.

Tuy đồng tình với chủ trương này, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, một trong những tỉnh còn nhiều rừng tự nhiên của cả nước cho rằng: “Trước khi đưa ra phương án cuối cùng, ngành NNPTNT cần bàn bạc kỹ lưỡng với các địa phương”.

Theo ông Cự, các kế hoạch bảo tồn, phát triển rừng tự nhiên, rừng trồng đang được tỉnh thực hiện. Nếu cấp T.Ư quyết định, không dựa trên tình hình thực tế sẽ gây khó khăn cho các địa phương: “Nên đóng tất cả rừng tự nhiên hay chỉ nên đóng các rừng đặc dụng, rừng có tính chất bảo tồn đa dạng sinh học? Còn rừng tự nhiên có giá trị kinh tế vẫn nên cho khai thác” – ông Cự đặt vấn đề.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Vang- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội khóa XII, trước khi đóng cửa rừng tự nhiên phải cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, rừng tự nhiên hiện nay bao gồm cả loại rừng mới được trồng bằng những loại cây 7, 8 năm đã có thể khai thác, tuổi thọ cây gỗ không cao.

Với loại rừng này, nếu không khai thác, cây sẽ chết, mục nát gây lãng phí. Thứ hai, việc đóng cửa rừng sẽ tác động tới nguồn gỗ nguyên liệu; số tiền chi cho nhập khẩu gỗ khoảng 1,2 tỷ USD/năm hiện nay sẽ tiếp tục tăng, gây áp lực cho cán cân thanh toán nếu cấm cửa rừng tự nhiên trên diện rộng.

Do đó, ông Vang cho rằng: “Chỉ nên nghiên cứu cấm ở những nơi cụ thể vào khoảng thời gian nhất định nào đó. Về lâu dài vẫn cần khai thác rừng tự nhiên bằng những biện pháp quản lý chặt chẽ”.

Một số ý kiến cũng cho rằng, việc đóng cửa rừng tự nhiên chỉ giải quyết được vấn đề tiêu cực trong khai thác rừng theo chỉ tiêu, do các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện. Còn lâm tặc có thể vào rừng tự nhiên bất cứ lúc nào. Nếu không tuần tra, kiểm soát tốt, vấn nạn chặt phá rừng tự nhiên vẫn tái diễn. Cửa rừng có đóng, gỗ vẫn cứ tuồn ra.