Dân Việt

Khó tuyển lao động trình độ cao

25/10/2012 13:43 GMT+7
(Dân Việt) - Những đơn hàng có vị trí làm việc tốt, lương cao ở nước ngoài lại là những đơn hàng khó tuyển nhất. Thực tế này ở nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho thấy vấn đề tạo nguồn và đào tạo trong học nghề đang bị lệch hướng.

Công ty: Khó tuyển!

Phòng hồ sơ của Trung tâm Nhật Bản (thuộc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực – LOD) trong những tháng gần đây có tới 30-40% hồ sơ đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản là của các ứng viên có trình độ cao đẳng, đại học (cơ khí, hàn…). Ông Trần Văn Dụng - chuyên viên ban Hồ sơ cho biết, đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi những năm trước, hồ sơ mà trung tâm nhận được chủ yếu là trình độ THPT.

img
Học viên Trung tâm Nhật Bản của Công ty LOD học cách sắp xếp đồ đạc ngăn nắp.

Tuy nhiên, con số “30-40%” đó cũng chưa có mấy ý nghĩa, bởi thực tế hồ sơ ở đây, những em có trình độ đại học về cơ khí, thì chủ yếu là kiến thức hàn lâm, nghiên cứu, trong khi các doanh nghiệp nhận LĐ lại không cần kiến thức này mà chủ yếu cần tay nghề giỏi. Bởi thế, nhiều em có trình độ đại học vẫn đi làm theo các đơn hàng dành cho lao động phổ thông.

Ông Dụng nêu thực tế, LĐ phổ thông đi theo diện tu nghiệp sinh ở Nhật Bản lương trung bình khoảng 12-13 vạn yên/tháng (26-27 triệu đồng); nhưng nếu có trình độ ĐH-CĐ, làm kỹ thuật viên, lương tối thiểu đã là 18 vạn yên (39 triệu đồng). Nhưng thực tế tuyển lao động cho các công việc lương 39 triệu đồng rất khó khăn.

Ông Vũ Công Bình - Chủ tịch HĐQT LOD cho biết, hiện công ty đang triển khai một số chương trình tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, như tuyển kỹ thuật viên theo chương trình E7 đi Hàn Quốc, phối hợp với Tập đoàn Kantojoho (Nhật Bản) tuyển các cử nhân có khả năng về lập trình, có trình độ cao về cơ khí tự động và hiện cũng đang “bí nguồn”. “Và ngay cả có nguồn lao động, công ty cũng phải đào tạo tiếng Nhật trong vòng 6 tháng - 1 năm, lao động mới có đủ “vốn” ngoại ngữ để giao tiếp cơ bản cho công việc”- ông Bình nói.

Loay hoay với ngoại ngữ...

Trong khi các doanh nghiệp khó tạo nguồn tuyển thì bản thân lao động lại rất mơ hồ về thông tin. Nguyễn Quốc H (quê ở Chương Mỹ, Hà Nội) tốt nghiệp khoa Cơ khí (ĐH Bách khoa) cách đây 5 năm và hiện đi làm… kế toán. H. cho biết, cách đây ít lâu, anh cũng có nghe thông tin tuyển lao động đi Hàn Quốc làm việc theo chương trình Thẻ vàng của Công ty Sovilaco. “Tôi thực sự rất muốn đi, nhưng học xong đã lâu không đi làm, kiến thức cũng mai một, hơn nữa, học ngoại ngữ tiếng Anh ở trường đại học mỗi kỳ chỉ có 4 trình (60 tiết), học xong là cũng quên luôn nên không đủ tự tin tham gia”- H. nói.

Trần Văn Đ (quê Lý Nhân, Hà Nam) – học viên lớp Điện 3, hệ cao đẳng nghề - Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội cũng cho biết, về tay nghề hoàn toàn tự tin nhưng về ngoại ngữ thì “gần như bằng không”- Đ nói.

Trong tháng 9.2012, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng tuyển lao động y tá, hộ lý đi Nhật Bản với mức lương từ 40-60 triệu đồng/tháng nhưng gặp khó khăn về nguồn tuyển.

Ông Trần Trọng Đại - Trưởng phòng Đào tạo- Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội cũng thừa nhận, trong 3 năm học hệ cao đẳng, sinh viên chỉ được học 180 tiết ngoại ngữ (tiếng Anh) nên trình độ hầu hết là rất kém. “Hơn nữa, nếu các em muốn đi XKLĐ như đi Hàn, đi Nhật thì lại phải học chuyên ngoại ngữ về tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật. Muốn vậy, các em phải định hướng ngay từ khi bắt đầu học nghề. Nhưng ít em có được định hướng này”- ông Đại nói.

Hiện, một số DN XKLĐ đã đi tiên phong trong việc thành lập các trường nghề để tự đào tạo lao động phù hợp với các thị trường lao động chiến lược như công ty LOD (Trường cao đẳng nghề LOD), Công ty XKLĐ và thương mại Châu Hưng, Công ty TTLC… Đây là những bước đi đầu tiên trong việc “nối cung với cầu”. Thế nhưng, hiện trình độ đào tạo ở các trường nghề này mới ở mức trung cấp, cao đẳng nên vẫn ở trong tình trạng “khó với” tới các đơn hàng lao động trình độ cao.