Dân Việt

Đề xuất bảo hiểm cho sản xuất hạt lai F1

25/10/2012 10:19 GMT+7
(Dân Việt) - Mặc dù Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đưa diện tích lúa lai được sử dụng giống sản xuất trong nước lên 60 - 70% vào năm 2020, tuy nhiên đến nay chúng ta vẫn chưa chủ động được việc nhân dòng bố mẹ cung cấp đủ nhu cầu...

Chỉ đáp ứng 25% nhu cầu

Theo ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện diện tích lúa lai thương phẩm không ổn định và đang có xu hướng giảm tại một số địa phương.

img
Giá giống lúa lai cao nên nhiều nông dân ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình) chuyển sang trồng giống lúa thuần.

Tại Nam Định, năm 2006 toàn tỉnh gieo trồng 84.000ha lúa lai chiếm trên 50% diện tích lúa, nhưng năm 2011 chỉ còn khoảng 20%, do nông dân chuyển sang trồng giống Bắc Thơm 7, RVT và các giống lúa thuần chất lượng khác. Hơn nữa, giá giống lúa lai ngày càng tăng cao (vụ đông xuân 2012 lên tới 80.000- 90.000 đồng/kg, thậm chí có giống trên 100.000 đồng/kg); nguồn cung không chủ động (do lượng sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 20-25%) nên phụ thuộc vào tình hình sản xuất của nước xuất khẩu. Do giá giống cao nên một số địa phương khi Nhà nước hỗ trợ thì dân trồng, khi hết hỗ trợ thì lại quay về trồng lúa thuần…

Đặc biệt, theo nhận định của các nhà khoa học, ở trong nước chưa có nhiều dòng bố mẹ của Việt Nam hoặc nhập nội có đặc tính nông học tốt, có khả năng kết hợp và cho ưu thế lai cao, dòng mẹ có khả năng nhận phấn tốt, đặc tính bất dục ổn định. Việt Nam còn thiếu các tổ hợp lai chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận...

Thương mại hóa nhanh sản phẩm

Thực tế, trong giai đoạn 2011-2012, hệ thống sản xuất giống chưa được tổ chức chặt chẽ, các công ty nước ngoài và nhiều công ty trong nước không quan tâm sản xuất hạt giống F1 tại Việt Nam do tính rủi ro cao và sợ mất bản quyền. Nhiều doanh nghiệp vẫn tập trung vào việc nhập giống từ nước ngoài vì có lợi nhuận cao, gây nên tâm lý sính ngoại do việc tuyên truyền quảng bá quá mức.

Giai đoạn 2013-2020, theo kế hoạch của Bộ NNPTNT, diện tích lúa lai thương phẩm hàng năm đạt khoảng 700.000- 800.000ha. Sản xuất hạt lai F1 trong nước cung cấp 50- 60% nhu cầu hạt giống cho sản xuất lúa lai đại trà; năng suất hạt lai F1 đạt 3 tấn/ha.

Theo ông Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, để đẩy mạnh phát triển lúa lai trong nước cần có chính sách bảo hiểm cho sản xuất hạt lai F1 và các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Đồng Quảng cho biết, Cục Trồng trọt đang nghiên cứu đề xuất chính sách bảo hiểm cho sản xuất hạt lai F1 và các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước. Bên cạnh đó, ông Quảng khẳng định cần nghiên cứu quy định yêu cầu các công ty nước ngoài tổ chức sản xuất hạt lai F1 tại Việt Nam để giảm giá bán hạt giống. Đặc biệt cần tạo lập thị trường công nghệ trong chọn tạo và phát triển lúa lai, xây dựng cơ chế mua bán, chuyển nhượng bản quyền giống lúa nói chung và lúa lai nói riêng để khuyến khích các nhà chọn giống chọn tạo và phát triển các sản phẩm mới...