Sau ly hôn thành người ở đậu!
Đó là thực tế của chị Võ Thị Thảnh (SN 1973) ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Chị Thảnh kể lại trong nước mắt: Chị sinh ra và lớn lên ở xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc. Năm 1993, chị kết hôn với anh Nguyễn Duy Nghị (SN 1970) ở thị trấn Nghèn và có 2 con trai. Do ở chung quá chật chội nên ông bà cho vợ chồng chị một miếng đất ở khối 5, thị trấn Nghèn. Từ số tiền tích góp được, vợ chồng chị đóng gạch xây được căn nhà để ở.
Bao công lao của chị Thảnh không được nhà chồng công nhận sau khi ly hôn. |
Cũng theo lời chị Thảnh: “Từ khi ra ở riêng, anh Nghị có quan hệ tình cảm với người khác nên gây chuyện đánh đập và đuổi tôi ra khỏi nhà. Sau đó, anh Nghị làm đơn xin ly hôn. Không thể níu kéo và sống mãi với người chồng vũ phu nên tôi đã đồng ý ly hôn. Ngày 30.9.2011, Tòa án huyện Can Lộc xử ly hôn. Tài sản là mảnh đất và nhà vẫn mang tên bố mẹ chồng, sau phiên tòa, chồng và bố mẹ chồng liên tục đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Quá thương con, tôi đã làm đơn khởi kiện gửi Tòa án huyện Can Lộc, mong tòa xem xét tới hoàn cảnh để hai mẹ con sau này có gian nhà ở”.
Tương tự là tình cảnh của chị Nguyễn Thị Bình (SN 1979) ở xóm Vĩnh Xá 1, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc. Năm 1997, chị Bình kết hôn với anh Phạm Văn Hưng (SN 1975), người cùng làng, hai vợ chồng chung sống với nhau được 13 năm và sinh được 3 người con. Trong khoảng thời gian này được ông bà nội cho một miếng đất, vợ chồng chị tích cóp và vay mượn hơn 100 triệu xây căn nhà mái bằng kiên cố. Nhưng được một thời gian, hạnh phúc gia đình tan vỡ vì tính vũ phu của chồng.
Chị Bình kể: “Sau ly hôn, tài sản là ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất ông bà nội cho và vẫn mang tên ông bà. Tôi bị đuổi đi thiệt thòi đã đành, đứa con trai thứ hai sống với tôi cũng không nhà không cửa”.
Bơ vơ giữa dòng đời
Trao đổi với PV NTNN, ông Thái Văn Đạt - Thẩm phán TAND huyện Can Lộc cho biết: “Là người chủ trì nhiều phiên tòa xét xử ly hôn, tôi thấy hiện nay rất nhiều phụ nữ ở nông thôn sau khi ly hôn rời khỏi nhà chồng phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ kết hôn được bố mẹ cho mảnh đất làm nhà ở mà không làm thủ tục sang tên cho hai vợ chồng, vì vậy khi ly hôn, bố mẹ chồng lấy lại đất. Lúc ra tòa, người vợ không có giấy tờ căn cứ pháp lý nên họ phải ra đi tay trắng”.
Một thực tế nữa ở nông thôn là phụ nữ sau ly hôn cũng bị bố mẹ đẻ chối bỏ. Chị C. ở Hợp Đức, Đồ Sơn, Hải Phòng đã bao lần phải bỏ về nhà mẹ đẻ vì không chịu được những trận đòn roi vô cớ của chồng, nhưng bố chị nhất quyết đuổi chị đi vì “nhà không chứa con bỏ chồng. Nó đánh mày chết thì nó cũng phải cúng vợ”.
Cam chịu và cam chịu, đến lúc không thể nhẫn nhịn được nữa chị mới đành chạy trốn hẳn cuộc hôn nhân của đời mình. Khi ra tòa, nhà của nhà chồng, chị không có chỗ ở, không công việc… vậy mà vẫn phải ôm con đi và rơi vào cảnh bơ vơ.
Trong các trường hợp này, tư vấn của luật sư Hồng Bách (Văn phòng Luật sư Hồng Bách - Hà Nội) là chị em cần hiểu về quyền lợi của mình, về tài sản. Với trường hợp tài sản đã cho miệng thì có thể chứng minh bằng sổ mục kê của UBND xã, bằng việc xây nhà ở liên tục không tranh chấp, có đóng thuế đất trong 10 năm… Lúc đó tòa sẽ xác nhận là tài sản chung trong quá trình hôn nhân và phân chia hợp lý. Khi bản án đã tuyên mà gia đình chồng không chấp hành thì có thể kiện tiếp.
Hữu Anh - Bùi Hương - Lê An