Dân Việt

Bão số 8 sẽ gây mưa cực lớn

26/10/2012 06:19 GMT+7
(Dân Việt) - Chiều 25.10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) T.Ư đã có buổi họp đầu tiên để chuẩn bị các công tác đối phó với cơn bão số 8 (tên quốc tế là Sơn Tinh).

Ông Bùi Minh Tăng- Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư cho biết: “Đến trưa 25.10, bão Sơn Tinh đã chính thức đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8. Bão Sơn Tinh mạnh khoảng cấp 8 - 9 và ở vào khoảng 14 độ vĩ Bắc (ngang tỉnh Bình Định) - 119 độ kinh Đông, đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/giờ”.

Theo ông Tăng, chưa thể xác định được chính xác vị trí đổ bộ của bão, có thể bão sẽ đổ bộ vào phía nam Khu 4 cũ, nhưng cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến phía nam đồng bằng Bắc Bộ, thậm chí đi vòng lên miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, dù với phương án nào, thì trọng tâm ảnh hưởng của bão sẽ vào phía nam khu 4 cũ.

Nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, đây là cơn bão rất phức tạp, di chuyển với tốc độ nhanh, khi vào bờ bão có thể gây mưa cực lớn với lượng mưa phổ biến ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình là 300mm, có nơi 400-500mm; phía nam đồng bằng Bắc Bộ mưa khoảng 200mm, còn các khu vực khác (trong đó có Hà Nội) có thể mưa lên đến 100mm. Đặc biệt, do ảnh hưởng của một khối không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta, nên thời gian mưa sẽ kéo dài từ 27 đến 30.10.

Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, tính đến chiều 25.10, vẫn còn 274 tàu tiếp tục hoạt động ở đây. Với diễn biến nhanh, phức tạp của cơn bão Sơn Tinh theo tính toán, nếu trong đêm 25.10, số tàu còn lại không di chuyển ngay khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa thì sẽ không chạy kịp bão. Với lượng mưa lớn, bão Sơn Tinh có thể “phá nát” 300.000ha cây trồng vụ đông của các địa phương miền Bắc vừa xuống giống. Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát đề nghị, các địa phương phải có những giải pháp tiêu thoát úng, tìm mọi cách bảo vệ vụ đông.

* Thủ tướng Chính phủ ngày 24.10 đã có quyết định hỗ trợ 175 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2012 để hỗ trợ 5 địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa 80 tỷ đồng (ngoài thực hiện cứu trợ đột xuất, ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp các sự cố trên tuyến đê sông Chu); Nghệ An 50 tỷ đồng; Hà Tĩnh 20 tỷ đồng; Hải Dương 15 tỷ đồng và Điện Biên 10 tỷ đồng.