Xuất hiện nhiều điểm sáng
Ngay sau khi UBND TP.Hà Nội có Kế hoạch số 68 ngày 9.5.2012 và Sở NNPTNT có Hướng dẫn số 29 về “Quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội”, các huyện, thị xã đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và ban hành nghị quyết về công tác DĐĐT, đồng thời giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể để các xã căn cứ phấn đấu thực hiện.
Theo đó, các xã đã tiến hành xây dựng phương án DĐĐT trình duyệt đồng thời rà soát nhân khẩu, hộ khẩu, diện tích đất nông nghiệp giao theo Nghị định số 64/CP, một số xã đã và đang tiến hành đo đạc, quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng.
Việc DĐĐT sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Hà Nội (ảnh chụp tại làng hoa Tây Tựu). |
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội, một số địa phương đã thực hiện thành công công tác DĐĐT như xã Tân Hưng, Minh Trí (huyện Sóc Sơn); xã Liên Mạc (huyện Mê Linh); xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức); xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên)... Các xã này đang là mô hình điểm cho nhiều địa phương khác đến học tập kinh nghiệm. Một số huyện đã thể hiện sự quyết tâm bằng việc đăng ký tăng thêm diện tích thực hiện trong năm 2012 như: Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín, Đông Anh… Nhiều huyện, thị xã đã coi nhiệm vụ DĐĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012.
Nhận thức được rằng công tác DĐĐT là tiền đề, là cơ sở triển khai các nội dung tiếp theo trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, công tác này đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt từ Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, đến các huyện, thị xã, sự hướng dẫn của các sở, ngành. Kết quả đến nay, toàn TP.Hà Nội đã có 99/228 (43,4%) xã có phương án DĐĐT, trong đó có 35/228 xã đã được phê duyệt, số còn lại đang tiến hành xây dựng phương án và xin ý kiến nhân dân thống nhất phương án.
Triển khai 5 giải pháp
Dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song công tác DĐĐT là một việc làm rất khó, bởi nó đụng trạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân, phải tiến hành một khối lượng công việc rất lớn từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, đến tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, đo đạc, lên bản đồ, gắp thăm, chia đất, cấp hồ sơ giấy tờ... Chính vì vậy, cán bộ địa phương ở một số nơi ngại, không muốn làm. Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số nơi hạn chế, chưa làm cho người dân thấy được ích lợi trước mắt và lâu dài của công tác DĐĐT.
Để công tác DĐĐT năm 2012 hoàn thành tốt, tạo khâu quan trọng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định, lâu dài thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, TP.Hà Nội sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp phấn đấu hoàn thành DĐĐT đạt trên 30.000ha trong năm 2012. Cụ thể, 5 giải pháp gồm:
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ và tổ chức thực hiện tốt Chương trình 02-CTr/TU nói chung và công tác DĐĐT nói riêng.
- Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã tích cực giúp đỡ các xã tổ chức triển khai thực hiện theo trình tự các bước tại Hướng dẫn số 29 về “Quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội”. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình tổ chức thực hiện.
- UBND thành phố bố trí nguồn vốn khuyến khích các xã thực hiện DĐĐT xong trong năm 2012 và là tiền đề để các huyện, thị xã chỉ đạo các xã phấn đấu hoàn thành công tác DĐĐT trên địa bàn toàn thành phố.
- Sở NNPTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác DĐĐT của các địa phương - Sở Tài nguyên- Môi trường hướng dẫn trình tự thủ tục cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau khi địa phương thực hiện xong công tác DĐĐT.
Hằng Thu