Để đưa ngành sản xuất, kinh doanh hồ tiêu truyền thống tiếp tục phát triển bền vững, huyện Chư Pưh đã có những quyết sách quan trọng. Phóng viên NTNN có cuộc trao đổi với ông Lưu Trung Nghĩa – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Pưh xung quanh vấn đề này.
Hồ tiêu đã mang lại cho huyện Chư Pưh trên 1.000 tỷ đồng trong niên vụ 2011-2012. |
Thưa ông, nói đến huyện Chư Pưh, người ta nghĩ ngay đến thế mạnh của cây hồ tiêu. Ông có thể cho biết đôi nét về tình hình phát triển và sản xuất hồ tiêu hiện nay ở huyện Chư Pưh?
- Trên bản đồ hành chính quốc gia, Chư Pưh là cái tên còn khá mới. Huyện được chia tách tháng 8.2009 từ huyện Chư Sê, cách TP.Pleiku 58km về phía Nam. Sau khi chia tách, hơn phần nửa diện tích hồ tiêu nằm trên địa bàn huyện mới. Bởi vậy nói đến Chư Pưh, người ta nghĩ ngay đến một miền đất bạt ngàn hồ tiêu giữa chan hòa nắng gió cao nguyên. Bàn tay cần cù, sáng tạo của người dân đến từ mọi miền đất nước đã biến vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này thành một xứ sở hồ tiêu trù phú…
Hiện tại, Chư Pưh có gần 8.600 hộ trồng hồ tiêu với tổng diện tích đạt gần 2.500ha. Bằng kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm canh tác và sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học kỹ thuật, Chư Pưh không chỉ là vùng đất chuyên canh hồ tiêu lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn dẫn đầu về năng suất, sản lượng.
Năm 2012, hồ tiêu Chư Pưh đạt năng suất bình quân 48 tạ/ha. Cá biệt có nơi đạt đến 70 - 80 tạ/ha. Với sản lượng trên dưới 10.000 tấn sản phẩm, niên vụ 2011 – 2012, hồ tiêu đã mang lại cho huyện trên 1.000 tỷ đồng. Hàng trăm hộ nông dân nhờ hồ tiêu đã trở thành tỷ phú. Những phẩm chất vượt trội của hồ tiêu Chư Pưh trong thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” đã được công nhận và mang hương vị đến thị trường hàng chục quốc gia trên thế giới…
Với Quyết định 658 của UBND tỉnh Gia Lai, Hiệp hội Hồ tiêu – Nông sản (HT- NS) Chư Pưh đã được thành lập và tiến hành đại hội. Ông có thể cho biết sự ra đời của Hiệp hội có ý nghĩa như thế nào với ngành sản xuất – kinh doanh hồ tiêu Chư Pưh ?
- Như đã nói, hồ tiêu được xác định là cây trồng chủ lực, là nguồn sống, nguồn thu nhập và tạo việc làm của đại bộ phận nông dân huyện Chư Pưh. Tuy đã mang lại những hiệu quả nhất định, nhưng cũng phải thấy rằng, sản xuất và phát triển hồ tiêu đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết… Trong những năm gần đây do giá cả tương đối ổn định ở mức cao, nhiều nơi nông dân bất chấp cả tính khả thi về thổ nhưỡng để mở rộng diện tích.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất còn nhiều hạn chế. Trong khi đó sự biến đổi khí hậu gây bất lợi cho cây hồ tiêu không ngừng gia tăng. Tình hình sâu bệnh – đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm chưa có cách khắc phục hiệu quả… Những tồn tại đó đã đặt ra vấn đề có tính cấp bách là làm thế nào để duy trì và phát triển cây hồ tiêu một cách bền vững…
Thực ra ngay từ khi chia tách, mục tiêu này đã được UBND huyện đặt ra và nhất quán trong công tác chỉ đạo: Phát triển bền vững và ổn định diện tích hồ tiêu kinh doanh trong khoảng 2.500ha; tổ chức lại sản xuất, tập trung thâm canh, thực hành tiêu chuẩn GAP trong toàn bộ quy trình sản xuất đến người trồng hồ tiêu để nâng cao chất lượng sản phẩm; kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến; mở rộng, hỗ trợ mạng lưới thu mua, dịch vụ và kiểm nghiệm chất lượng…
Tuy nhiên dù sao đây vẫn là những định hướng mang tính vĩ mô. Những thách thức đặt ra đối với ngành sản xuất hồ tiêu Chư Pưh đòi hỏi phải có một tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp những nông dân có tâm huyết với nghề, gắn kết họ trong mối quan hệ thống nhất với các tổ chức liên quan thì mới thực hiện một cách thấu đáo những định hướng chỉ đạo của UNND huyện. Và tổ chức đó chính là Hiệp hội HT – NS Chư Pưh.
Với những mục tiêu phấn đấu được đặt ra như: Xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức thống nhất, bảo vệ quyền lợi của hội viên trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hồ tiêu – nông sản; áp dụng toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn Việt GAP và tiêu chuẩn GAP của IPC nhằm nâng cao uy tín thương hiệu, hướng tới sản xuất bền vững; thực hiện tốt mối quan hệ “4 nhà”… tôi tin rằng Hiệp hội HT – NS Chư Pưh sẽ gắn kết hội viên 10 chi hội thành một khối thống nhất, đưa ngành sản xuất, kinh doanh hồ tiêu – nông sản của huyện sang một trang mới…
Là Chủ tịch Hiệp hội HT – NS Chư Pưh, ông có suy nghĩ gì về trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo Hiệp hội thực hiện những mục tiêu đã đề ra ?
- Được lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ và được đại hội tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hiệp hội HT– NS huyện Chư Pưh, tôi hiểu đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn. Mục tiêu phấn đấu của hiệp hội – như những nét chính trên đây, tôi cùng BCH Hiệp hội vừa là người thiết kế, đồng thời là người tổ chức thực hiện.
Trong những mục tiêu xuyên suốt nhiệm kỳ, trước mắt cần tập trung củng cố tổ chức, tư duy phương pháp hoạt động hiệp hội trong khuôn khổ pháp luật quy định; đảm bảo Hiệp hội phải là công cụ phục vụ tin cậy của mỗi hội viên. Muốn vậy, những người đứng đầu Hiệp hội phải có tầm; phải sâu sát hội viên để chủ động có giải pháp và đề xuất những tháo gỡ kịp thời về cơ chế, chính sách. Đặc biệt với sự phức tạp của thị trường nông sản hiện nay, người đứng đầu Hiệp hội cần có những nhận định sáng suốt, nhạy bén nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho hội viên…
Trong giai đoạn mới thành lập và với đặc thù của vùng sản xuất nguyên liệu liên quan đến đa số người dân nên lãnh đạo huyện phải tham gia lãnh đạo Hiệp hội.
Trên cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, tôi sẽ kiến nghị lãnh đạo huyện hỗ trợ Hiệp hội xúc tiến ngay những việc quan trọng trước mắt như: Khảo sát, đánh giá lại tình hình sản xuất; xây dựng Website điện tử về hồ tiêu – nông sản Chư Pưh; xây dựng và đưa vào hoạt động tổng đài tự động để cập nhật toàn bộ thông tin liên quan đến sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu cho hội viên; tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến hồ tiêu, nông sản công suất lớn; xây dựng kỷ yếu, thông tin hội viên; tăng cường vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước về sản xuất hồ tiêu – nông sản; xây dựng thương hiệu, hình ảnh đẹp của huyện trong cộng đồng hồ tiêu – nông sản trong và ngoài nước, góp phần xây dựng huyện Chư Pưh phát triển nhanh và bền vững.
- Xin cảm ơn ông !
Ngọc Tấn (thực hiện )