Dân Việt

Sán lợn làm tổ trong não vì mê tiết canh

26/10/2012 12:32 GMT+7
“Gần 30 bệnh nhân điều trị mỗi năm tại BV Nhiệt đới TƯ đều có thói quen ăn tiết canh, nem chạo thường xuyên”, TS.BS Nguyễn Như Lâm, Trưởng khoa Vi rút - Kí sinh trùng, cho biết.

Người nổi “gạo” vì sán lợn

TS Lâm cho biết, nguy cơ mắc sán lợn cao khi ăn đồ sống như tiết canh lợn, thịt lợn chưa nấu chín. Những con lợn mà dân gian vẫn hay gọi là “lợn gạo” thực chất là lợn bị nhiễm sán. Bản chất hạt gạo trong con lợn là nang ấu trùng của sán. Khi ăn phải thịt lợn gạo nấu chưa chín, ăn tiết canh những con lợn này vào người, nang ấu trùng nở ra, phát triển trong cơ thể để trở thành sán dây trưởng thành và gây bệnh.

Hình thức nhiễm sán lợn thứ hai, đó là khi con lợn nhiễm sán thải phân ra ngoài kèm theo trứng sán. Nếu người nuốt phải trứng sán này do ăn phải thức ăn nhiễm trứng sán như rau sống, tiết canh (trứng sán trong phân có nguy cơ dính vào tiết canh trong quá trình chọc tiết lợn) và bị nhiễm ấu trùng sán lợn.

Khi trứng vào trong cơ thể nó phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa, cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoành, nổi những hạt li ti trên da như con lợn gạo. Còn nếu sán lợn đi lên não, mắc lại đây, phát triển lớn lên gây bệnh sán não.

Tưởng động kinh lại hóa… sán não

img
Hình ảnh cho thấy sán làm tổ trong não

Qua thực tế điều trị, TS Lâm cho biết, đa phần người bệnh nhiễm sán não đến viện khám vì lo lắng bị đau đầu, tiền đình, động kinh nên mọi người đều hết sức hoảng hốt hình ảnh phim chụp cắt lớp lại phát hiện sán làm tổ trong não.

Khi mắc sán não, người bệnh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh. “Chính vì đặc điểm này mà bệnh sán não dễ chẩn đoán nhầm động kinh, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Nhưng khi đi chụp cắt lớp, hình ảnh nang sán não dễ dàng được phát hiện, bởi nang sán có kích thước khá to, có những nang lớn từ 0,5 - 1cm. Đây chính là nguyên nhân gây những biểu hiện đau đầu, nôn, co giật cho người bệnh”, TS Lâm nói.

ThS Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét ký sinh trùng TƯ cho biết, biểu hiện của nhiễm nang sán rất phong phù, tùy thuộc vào vị trí mà các nang sán cu ngụ. Ấu trùng sán có thể đi bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt, và đặc biệt là não, trong hệ thần kinh trung ương, chiếm 60-80% các trường hợp. Khi cư trú vùng cơ, gây các tổn thương thì trên da người bệnh xuất hiện các nang nhỏ bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường.

Còn khi cư trú ở não gây các triệu chứng động kinh, co giật, nhìn mờ, mù mắt, tăng áp lực nội sọ, đau đầu kéo dài…”Đáng nói, biểu hiện của sán lợn trong não dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với một số bệnh thần kinh khác. Bởi người bệnh thường có đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, bại chân tay, rối loạn cảm giác, liệt, tăng áp lực nội sọ…Vì thế, rất nhiều bệnh nhân có ấu trùng sán lợn trong não đến viện sau cả quá trình dài vài năm đi khám ở nhiều nơi mà không phát hiện ra bệnh”, BS Dũng nói.

TS Lâm cho biết thêm, với những bệnh nhiễm kí sinh trùng nếu không tái nhiễm sẽ tự khỏi do kí sinh trùng sống có thời hạn trong cơ thể. Nhưng thực tế, người bệnh đã bị nhiễm kí sinh trùng thì thường liên tục bị tái nhiễm do thói quen ăn uống. Nếu nhiễm kí sinh trùng liên tục, bệnh không tự khỏi, các nang sán này có thể để lại di chứng não cho người bệnh, chính vì vậy mà việc phát hiện, điều trị và phòng tái nhiễm kí sinh trùng là vô cùng quan trọng.

“Nhất là với những bệnh nhân bị nang sán gây tổn thương ở những ống dẫn lưu, lưu thông ổ dịch não tủy từ trên não, gây tắc, gây giãn não thất, ứ nước trong não thì việc phát hiện sớm rất quan trọng để tiến hành phẫu thuật. Còn bình thường, với sán não người bệnh chỉ cần điều trị nội khoa mà không có chỉ định phẫu thuật”, TS Lâm nói. Còn nếu được phát hiện sớm bệnh nhân sẽ khỏi hẳn các triệu chứng do ấu trùng sán gây ra, song nhiều trường hợp có thể để lại hiện tượng các nốt vôi hóa trong não do bị nang sán quá lâu không được điều trị.

Để phòng bệnh, cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc với môi trường đất, cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý tốt nguồn phân, không dùng phân tươi để tưới rau… Tuyệt đối không ăn thịt lợn gạo, tiết canh, nem thính, nem chạo, thịt lợn tái, điều trị người bệnh khi có biểu hiện nhiễm sán dây…

Theo Dân Trí