Thần may mắn ở bên Singapore
Đã qua lâu rồi cái thời cứ nói đến bóng đá Đông Nam Á (ĐNÁ) là nói tới cuộc cạnh tranh "song mã' giữa Thái Lan và Việt Nam. Khoảng 5 năm trở lại đây, điều gì cũng có thể xảy ra tại SEA Games, AFF Cup.
Singapore và niềm vui khi đăng quang ngôi vô địch ĐNÁ lần thứ 4 |
SEA Games 2009, U23 Lào với tư cách chủ nhà đã thắng cả U23 Indonesia, hòa U23 Singapore để vào bán kết.
AFF Cup 2010, Thái Lan, Singapore bị loại từ vòng bảng. Tới AFF Cup 2012, họ lại là đối thủ của nhau trong trận… chung kết.
Đội bóng “tí hon” Philippines đã “lớn nhanh như thổi” nhờ một loạt ngoại binh nhập tịch, hai lần liên tiếp vào bán kết AFF Cup 2010 và 2012. Và trớ trêu là cả 2 giải đấu đó, tuyển Việt Nam đều là bại tướng của họ!
BĐVN phải học tầm nhìn với những chiến lược dài hạn của Singapore. Ảnh: Minh Hoàng |
Chuyện bi hài là nếu coi tính bất ngờ là yếu tố tạo nên sức hút cho môn thể thao vua, thì bóng đá ĐNÁ đang vô cùng… hấp dẫn. Không hề khách sáo hay khiêm nhường mà là sự thật hẳn hoi nếu tại AFF Cup 2014, các HLV tuyên bố: “Cả 8 đội dự vòng chung kết đều là ứng viên cho danh hiệu vô địch”
Trở lại với hành trình AFF Cup 2012, Singapore suýt bị loại từ vòng bảng khi chỉ may mắn lội ngược dòng thắng Lào 4-3 ở trận quyết định. Tới bán kết, họ nhọc nhằn vượt qua Philippines và thắng nốt Thái Lan với tỷ số chung cuộc 3-2 (thắng 3-1 lượt đi, thua 0-1 lượt về) ở chung kết để đăng quang ngôi vô địch.
Đến đây, có thể thấy lời chia sẻ của ông Ngô Lê Bằng, Tổng thư ký VFF, Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2012, rất có lý: “Giả như đội tuyển Việt Nam bảo vệ được chiến thắng trước Myanmar ở trận ra quân thì mọi thứ đã rất khác…”.
Nhưng khác rồi để làm gì nếu như biết rằng sau chiếc Cúp vô địch AFF Cup 2008 đầy may mắn, bóng đá Việt Nam đã không biết tận dụng cú hích đó để phát triển, ngược lại còn có dấu hiệu tự mãn dẫn tới thụt lùi!
Bóng đá Việt phải học “tầm nhìn” của Singapore
Điều cần lưu ý là trong đội hình Singapore vô địch AFF Cup 2012, có quá nhiều gương mặt đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ Việt Nam. Bên cạnh những cựu binh nòng cốt như Bennett, Fahrudin, Duric, là những tên tuổi đang ngày càng “chín” như Isa Halim, đội trưởng Ishak, tiền đạo Amri.
Dưới bàn tay của HLV người Serbia, ông Avramovic (người đã gắn bó với Singapore 10 năm) đội bóng đảo quốc sư tử thực sự là một tập thể đoàn kết, nơi những “đàn anh” biết cách chỉ bảo cho “đàn em” hòa nhập, phát triển trong lối chơi chung.
Singapore xứng danh với biệt hiệu Những chú sư tử biển khi họ vào chung kết AFF Cup 4 lần và chiến thắng cả 4 vào các năm 1998, 2004, 2007, 2012.
Có lẽ đây là lúc bóng đá Việt phải học tầm nhìn, sự chuyên nghiệp, ý chí chiến đấu của Singapore. Không quá khi cho rằng Singapore làm gì cũng có kế hoạch bài bản, khoa học và tuyệt đối tin tưởng vào kế hoạch dài hơi, phù hợp với điều kiện thực tế của mình, trong đó có việc nhập tịch cầu thủ.
Điều này khác hẳn với bóng đá Việt khi thường bị động, chủ trương thiếu rõ ràng, thiếu tính thuyết phục và dễ dàng “đổ” mỗi khi gặp những sự cố dù rất nhỏ.
Về vấn đề này, cựu HLV đội tuyển quốc gia Phan Thanh Hùng nói: “Việc chọn HLV nội hay ngoại cho đội tuyển lúc này không quan trọng bằng việc VFF cần đưa ra được chủ trương, chiến lược lâu dài, rõ ràng.
Ngay cả việc đào tạo trẻ, theo tôi cũng không có gì quá nan giải. Trước đây kinh tế khó khăn, chỉ dùng ngân sách địa phương mà vẫn đào tạo trẻ được đó thôi. BĐVN thiếu sân bãi, cơ sở vật chất kém thật nhưng không phải vì thế mà không làm nổi. Tôi nghĩ VFF cứ có chủ trương cụ thể, rồi mỗi địa phương, câu lạc bộ cố gắng một chút là có thể thúc đẩy sự phát triển”.
Lê Đức