Dân Việt

“Nhảy dù” vào... biệt thự

Nguyễn Gia Tưởng 18/10/2013 06:56 GMT+7
Kiếm được một căn nhà ở Hà Nội đã rất khó! Được ở trong những căn biệt thự giữa thủ đô càng khó gấp nhiều lần... Thế mà có những người dân ngoại tỉnh lại nghễu nghện ở trong những ngôi biệt thự có giá cả chục tỷ đồng, mà chẳng mất một đồng tiền nào để thuê hay mua...
Đơn giản họ là những người nhảy dù, cứ thấy biệt thự bỏ không là vào ở, có khi còn lập cả cơ sở để buôn bán ở đó hàng năm trời mà chẳng có ai đến đòi nhà cả. Thật là nhất cử lưỡng tiện.

Nghề săn biệt thự hoang

Đúng là Hà Nội dễ kiếm tiền, bởi nó có nhiều kiểu làm ăn. Thậm chí, có những nghề mà ngay cả người giàu trí tưởng tượng, nếu không nghe qua, thì cũng chẳng biết đường nào mà nghĩ tới. Đó là nghề săn các biệt thự bỏ hoang. Tất nhiên, nghề này không phải ai cũng làm được.

Một góc biệt thự ở Hồ Tây được dùng làm nơi cân sắt vụn.
Một góc biệt thự ở Hồ Tây được dùng làm nơi cân sắt vụn.

Anh Hòa, nhà ở ngõ 12 Khuất Duy Tiến, đang xây nhà. Anh lo sốt vó, vì công trình nhà mình không có người trông coi vào buổi tối. Vì theo lẽ thường, thợ xây lúc thi công nhà sẽ ngủ luôn tại công trình.

Vậy mà, tốp thợ xây mà anh thuê, dù quê tận Yên Dũng (Bắc Giang) nhưng lại đến công trình theo... giờ công chức: Sáng đến, chiều về. Sau nhiều lần lân la hỏi chuyện, anh Ngư (42 tuổi) làm cai thợ, chỉ huy nhóm xây dựng nhà anh Hòa mới chịu bật mí:

“Trước kia thì xây nhà nào, nhóm thợ đóng quân luôn ở nhà đó. Nhưng công trình mới xây có đủ thứ bất tiện: Mùi vôi vữa độc hại, không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không bếp nấu ăn... Được sự giới thiệu của anh em cùng làm xây dựng, bọn tớ đã chọn được cái biệt thự ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) và ở gần 3 năm nay rồi”.

Rồi như sợ tôi không hiểu, anh Ngư cũng giải thích luôn: “Không phải loại cai xây như bọn tôi lại có nhà biệt thự để ở đâu? Mà là biệt thự bỏ hoang. Nhưng bọn tôi phải mất tiền thuê lại của dân môi giới đấy. Chứ không phải là cứ thấy biệt thự hoang là vào ở được đâu”.

Vậy là, nghề đi săn biệt thự bỏ hoang để cho thuê lại là hoàn toàn có thật. Mà cũng đúng thôi, vì nó lợi cả đôi đường. Để chứng minh điều đó, anh Ngư giới thiệu ngay với tôi một tay chuyên cung cấp nhà biệt thự cho dân lao động tên Trường, quê ở Giao Thủy, Nam Định.

Sau nhiều lần hẹn hò rào đón, cuối cùng tôi cũng gặp được Trường. Trường năm nay 38 tuổi và có nghề chính là làm xe ôm ở ngõ 33 Nguyễn Chí Thanh. Sau mấy tuần trà đá, bắn thêm điếu thuốc lào, Trường tâm sự:

“Tôi lên Hà Nội làm xe ôm được 20 năm, cũng len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố này rồi. Tôi lấy vợ ở quê rồi đưa vợ lên đây đi buôn đồng nát. Năm 2000, tôi hay chở khách vào khu đô thị Trung Yên, thấy người ta xây dựng biệt thự nhiều, và để lâu không hoàn thiện, lúc đó cũng chưa có vợ, nên rủ mấy anh em cứ nhảy đại vào một nhà để ở cho đỡ tiền thuê nhà.

Đời sống của đám xe ôm chúng tôi cũng đơn giản chỉ lo khóa xe buổi tối thôi. Còn chỗ ngủ thì nhặt mấy tấm cốp pha, kê thành 1 cái giường ở trên tầng 2, cộng thêm mấy cái soong và cái bếp dầu thế là ổn. Riêng chuyện tắm giặt, vệ sinh, thì đều tranh thủ ở mấy nhà vệ sinh công cộng ở đường Láng Thượng.

Ở biệt thự hoang đã được hơn 2 năm, chẳng ai đến đuổi, tôi mới nghĩ, sao mình không đi kiếm vài cái nhà hoang nhỉ? Vì chắc có nhiều người lao động có nhu cầu như mình. Nghĩ là làm ngay, tôi đi một loạt các khu đô thị, từ Trung Yên, Định Công, Văn Quán, Văn Phú đến Cầu Giấy... “Tăm” được cái nào thì phải vào ở thử.

Cứ mang cái giường gấp, ít mì tôm, mấy cái móc phơi quần áo đến là được. Nếu thấy yên ổn thì xem chỗ nào câu được điện, bắc được nước là xong. Nếu có ý định ở lâu dài thì đầu tư khoan cái giếng, rồi chế thêm cái nhà vệ sinh nữa là thành thiên đường! Nhà rộng, điện nước, vệ sinh đầy đủ đảm bảo sướng gấp tỷ lần cái loại nhà trọ lợp xi măng, trần cót ép bé bằng cái mắt muỗi”.

Chỉ cần lần mò như thế thôi mà Trường đã chiếm được gần 20 căn biệt thự vô chủ để cho thuê lại. Tất nhiên, không phải với giá tiền triệu mà chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng mỗi căn. Nghe thì có vẻ ít nhưng cộng lại, một tháng Trường cũng được một khoản tiền đáng kể lắm!

Tất nhiên, việc làm ăn không phải lúc nào cũng ngon lành. Theo Trường, có nhiều chủ nhà khi mình vào ở họ biết đến còn cho thêm tiền vì họ sợ không có người cỏ mọc hay ẩm ướt. Nhưng không ít lần mới mon men nhảy vào biệt thự đã bị chủ nhà đuổi thẳng cổ.

“Có lần ở khu Văn Quán, sau khi vào ở được gần 2 tháng, thấy ổn, tôi định cho mấy bà đồng nát thuê, thì bị đám bụi đời đến chiếm mất. Đánh nhau 1 trận với đám tứ cố vô thân, thấy lực yếu đành phải nhường cái biệt thự cho bọn nó ở, chứ mình mà cố tình làm căng, đêm ngủ, nó cho chai xăng vào người thì có khi lại làm ngọn đuốc sống”- Trường thật thà kể.

Nghe Trường diễn giải thì nghề săn biệt thự hoang cũng nhiều công đoạn, nếu làm tốt có khi còn mắc được cả điện nước chui, sống ổn định ở đó vài năm. Vừa có chỗ trú chân yên ổn ngon lành mà không mất đồng nào tiền thuê nhà. Đơn giản, nghèo thì phải liều, liều rồi thì lại thành nghề, thế thôi!

Biệt thự đồng nát

Có một nghịch lý là, biệt thự ở Hà Nội đa số là dành cho người giàu ở, nhưng chỉ dùng để làm nơi... chứa đồng nát cũng không phải là hiếm. Trên đường Thụy Khuê, ở lối rẽ ra hồ Tây đoạn ngõ 80 - khu vực có lẽ là giá nhà đất đắt nhất nhì thế giới này, lại có một ngôi biệt thự 3 tầng rộng khoảng 300m2, được định giá không dưới 60 tỷ đồng.

Thế mà từ ngày xây đến nay đã hơn 10 năm, biệt thự này chỉ là nơi chứa đồng nát sắt vụn, giấy cũ. Hỏi tung tích chủ nhân của căn biệt thự này, thì tất cả những người xung quanh chẳng ai biết. Chỉ biết được cứ chiều đến là lũ lượt những chị em đi thu mua đồng nát giấy vụn nhựa phế thải về đây cân hàng.

Còn ông chủ của đại lý đồng nát sắt vụn này có tên là Xuân (43 tuổi), quê Thái Bình. Sau nhiều lần tránh né, Xuân cũng cho tôi biết: Đã làm bãi phế thải này được ngót chục năm, lúc đầu vốn bỏ ra có 20 triệu, sau nhiều năm tích cóp giờ cũng mua được cái chung cư vài tỷ rồi.

Nhưng chẳng muốn từ bỏ cái biệt thự hoang này vì mỗi tháng đều đều cũng kiếm được ngót 20 triệu, từ việc cân phế thải mỗi chiều. “Làm ở đây ổn lắm, nhưng cũng lo là phố này nhiều quan chức, chỉ sợ họ đi qua trông bẩn mắt mà ý kiến với phường trục xuất mình đi thì uổng lắm”- Xuân tâm sự.


"Kiếm được cái nào thì phải vào ở thử. Cứ mang cái giường gấp, ít mì tôm, mấy cái móc phơi quần áo đến là được. Nếu thấy yên ổn thì xem chỗ nào câu được điện, bắc được nước là xong. Nếu có ý định ở lâu dài thì đầu tư khoan thêm cái giếng, rồi chế thêm cái nhà vệ sinh nữa là thành thiên đường!”.
Trường - một dân chuyên săn biệt thự hoang

Cũng chiếm được một căn biệt thự mới chỉ chồng mộc ở khu đô thị Văn Phú để làm nơi kinh doanh, Huân- ông chủ của đại lý phế liệu cho biết: So với tiền thuê mặt bằng để mở bãi, thì ở nhà kiểu này sướng gấp nhiều lần, không lo bị trộm cắp, mưa gió, cũng không lo trật tự, công an gì đuổi cả. Tất nhiên cũng phải biết điều “làm luật”.

Mặc dù rất kết chỗ mình đang làm nhưng Huân vẫn thắc mắc không hiểu sao mà người ta nhiều tiền thế? “Họ mua được cả biệt thự mà không thèm hoàn thiện vào mà ở, bỏ ra cả đống tiền vứt phơi nắng phơi mưa. Mà em ở đây hơn 2 năm rồi cũng không thấy họ đến hỏi đúng là lạ thật?

Hôm trước em khoan được cả cái giếng, rồi câu nhờ được cả điện. Giờ thì ngon rồi, có khi còn kéo cả mấy đứa cháu ở quê lên làm cùng nữa, vừa có người làm cùng, ở cùng lại đỡ chân tay, đỡ sợ hơn. Những người bỏ nhà hoang này cũng chẳng bao giờ chấp dân lao động như bọn em đâu, lúc nào họ đuổi thì mình đi thôi”- Xuân chia sẻ.

Với kiểu đầu tư vô tội vạ, và nhiều người cũng có tiền tậu biệt thự vô tội vạ, mà không thèm ngó ngàng gì tới nó thì cái cảnh biệt thự hàng núi tiền chỉ để chứa đồng nát sẽ còn nhiều. Nó chứng tỏ một phần của nền kinh tế nước ta, đầu tư rất tốn kém nhưng chỉ là đầu tư thôi, còn sau đó... mặc kệ.