Trâu bò chết rét nhiều ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất của nông dân. |
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao đánh giá: “Đợt rét đậm, rét hại này nặng nề hơn so với đợt rét đậm năm 2007-2008. Hiện nay số gia súc chết rét vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”.
Đến thời điểm này khi mà số gia súc chết rét tăng lên nhanh chóng, từ 30.000 con trước Tết đã tăng lên gần 60.000 con sau Tết, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại công tác phòng chống của địa phương. Ông Hoàng Kim Giao cho hay: “Tôi đã đi kiểm tra tình hình chống rét ở rất nhiều tỉnh miền núi.
Có thể nói, các địa phương rút kinh nghiệm năm 2008, người dân, chính quyền có nhiều nỗ lực phòng chống rét cho gia súc, gia cầm. Song, không ít địa phương vẫn chủ quan, người dân vẫn lơ là với khuyến cáo của chính quyền, gia súc vẫn thả rông trong những ngày giá rét. Hậu quả, gia súc chết như ngả rạ, như ở Sơn La, Lạng Sơn...”.
Về chính sách hỗ trợ các hộ có gia súc chết rét, ông Hoàng Kim Giao cho biết: Chính phủ đã có Quyết định 142 về việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất đối với vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, quy định rất rõ những chính sách hỗ trợ sau thiên tai, trong đó có thiệt hại do rét gây ra.
Cụ thể, đối với trâu, bò được hỗ trợ con giống tới 2 triệu đồng/con. Các địa phương phải chủ động sử dụng ngân sách theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ phương tiện để quây bao chuồng trại, giúp gia súc tránh rét, tránh gió, bổ sung thức ăn tinh như một số địa phương đã làm là cấp cho mỗi con trâu, bò 5-10kg ngô, lúa để nấu cháo và cho gia súc ăn bổ sung.
“Nếu địa phương nào chi vượt quá ngân sách thì đề xuất lên Bộ NNPTNT, Bộ sẽ tập hợp và bàn với Bộ Tài chính để thống nhất giải quyết. Các hộ dân có gia súc chết cứ yên tâm rằng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để họ được hỗ trợ tối đa” - ông Giao cho biết.
Đình Thắng