Dân Việt

Thông tin, tư vấn tuyển sinh: "Bội thực” quảng cáo

18/02/2011 15:35 GMT+7
(Dân Việt) - Giữa tháng Hai, công tác tư vấn, quảng bá trường lớp, ngành nghề ở nhiều trường đã vào cuộc. Tuy nhiên, hầu hết các thông tin đều là quảng cáo, ít có tư vấn nghề nghiệp hữu ích cho học sinh.

Ghi nhận của NTNN tại Quảng Ngãi.

Quá tải quảng cáo

Ngay khi bước vào buổi học sau Tết, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Sơn Tịnh) đã có đến 3 trường ĐH-CĐ tới tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 12, là Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải III và Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, đều đóng ở TP.Hồ Chí Minh. 3 trường này căng biển tuyển sinh trước cổng trường, gửi hàng chồng tờ rơi, thông báo tuyển sinh.

img
Các trường CĐ- ĐH về tổ chức thông tin tư vấn nghề cho học sinh Quảng Ngãi.

Nhiều giáo viên trong trường cho biết, từ nay tới khi thi tốt nghiệp THPT, giáo viên và học sinh trong trường còn phải nhận vô số các loại giấy tờ quảng cáo, tuyển sinh... của rất nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học khác nữa... Mới đầu, học sinh lớp 12 rất hào hứng, xem chăm chú, bàn luận sôi nổi, nhưng sau đó, do nhiều quá, các em không buồn xem, vứt, bỏ đủ chỗ...

" Trong các tờ rơi, tờ quảng cáo, lời giới thiệu của các thầy trong đoàn tuyển sinh về trường năm ngoái, tụi em thấy trường lớp đó quá ngon lành. May mà các anh chị khoá trên cho biết, tụi em mới vỡ lẽ ra, trường lớp nơi này không đúng những gì mà họ từng quảng cáo nên phải tránh."

Thầy Nguyễn Đắc Vương - giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho hay, công tác tư vấn mùa thi mấy năm trở lại đây trở nên rất sôi động, nhộn nhịp. Ngoài những thông tin ngồn ngộn trên sách, báo, ti vi..., học sinh lớp 12 còn được hướng dẫn, tư vấn trực tiếp từ ban tuyển sinh của nhà trường, của các đoàn tuyển sinh của nhiều trường ĐH-CĐ (phần lớn là các trường dân lập, tư thục, mới thành lập, chưa có thương hiệu gì mấy).

“Họ đến tận lớp, tận trường, phát miễn phí tờ rơi, hồ sơ tuyển sinh, mượn giờ sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm, giờ chào cờ của cả trường để gặp gỡ học sinh khối 12, tư vấn tuyển sinh” - thầy Vương cho biết.

Em Nguyễn Văn Nam - học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) bộc bạch: "Một lúc tiếp nhận quá nhiều kênh thông tin tuyển sinh như thế, thú thật bọn em đâm ngán, đầu óc bị "bội thực", bị nhiễu loạn thông tin thực sự. Cái cần của bọn em không phải là ở số lượng nhiều mà là những kênh thông tin chính thống, có độ chuẩn xác cao, định hướng tốt về nghề nghiệp" .

Thiếu thông tin chính thống

Mấy năm nay nảy sinh thực tế: Nhiều đoàn tuyển sinh của trường ĐH, CĐ, THCN sốt sắng, tích cực về địa phương, trường lớp, mang danh nghĩa là tư vấn mùa thi, nhưng thực chất họ đến để tiếp thị, quảng bá cho tên tuổi, thương hiệu trường lớp họ, nhằm lôi kéo học sinh thi vào trường mình.

Tất nhiên, nhiều trường, nhiều ngành mới mở ra, cần quảng cáo mạnh để có học sinh, sinh viên vào học. Nhưng nhiều giáo viên bày tỏ bức xúc: “Việc nào ra việc đó, không thể lồng vào quá mức đối với công tác tư vấn, tránh gây rối rắm, phức tạp không đáng có cho học sinh”.

Thầy Huỳnh Văn Hoà - giáo viên Trường THPT Tư Nghĩa bày tỏ: Ban đầu, học sinh không biết, nghe theo quảng cáo. Tới giờ, nhiều học sinh đang theo học các trường CĐ, THCN trong khu vực, Tết về, nói trong bức xúc, tiếc nuối: "thầy ơi, năm nay em phải ôn tập, thi vào trường khác thôi. Trường em đang học tệ quá, cơ sở vật chất, phòng học, thư viện đều tạm bợ, đi thuê, đi mượn cả, còn giáo viên toàn thỉnh giảng từ trường khác, có tuần chơi dài, có tuần học chết bỏ. Nói không quá, trường CĐ còn thua trường THPT mình nhiều thứ”.

Cũng theo thầy Huỳnh Văn Hoà, hiện nay học sinh nông thôn cần nhất là thông tin tư vấn bài bản, khách quan để các em có định hướng chọn nghề, chọn trường đúng. Các trường ở khu vực nông thôn nên tránh kiểu quảng cáo các khối ngành học chộp giựt, treo đầu dê bán thịt chó, ăn xổi ở thì, lợi dụng lòng tin của học sinh, phụ huynh để trục lợi cho cá nhân và một số người.