Dân Việt

Tuyển sinh trung cấp nghề: Khó vượt áp lực bằng cấp

20/02/2011 07:47 GMT+7
(Dân Việt) - Mặc dù đào tạo học viên đến đâu, các doanh nghiệp, công ty nhận hết về làm việc đến đó, nhưng nhiều trường trung cấp nghề vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

Lý do là với nhiều lao động nông thôn, bằng trung cấp nghề không "oai".

Học theo nhu cầu… gia đình

Cô Nguyễn Thu Hương - Hiệu phó Trường Trung cấp (TC) nghề May và Thời trang Hà Nội tâm sự: "Mỗi năm Trường TC nghề May và Thời trang Hà Nội được giao 300 chỉ tiêu tuyển sinh hệ TC. Với khối trường CĐ-ĐH thì đây là một con số quá nhỏ. Tuy nhiên, với chúng tôi, đây lại là cả một vấn đề lớn".

 img
Học nghề thiết kế thời trang ở Trường Trung cấp nghề May và Thời trang Hà Nội.

Trao đổi với học sinh ở đây, chúng tôi thấy nhiều em có suy nghĩ: "Đã mất công đi học thì học CĐ-ĐH cho… oai". Nguyễn Văn H, một học sinh của trường cho hay: "Em đi học cũng là… bất đắc dĩ, bởi bằng TC giờ chẳng có ý nghĩa gì".

Cũng theo cô Hương, hiện nay Trường TC nghề May và Thời trang Hà Nội đang tuyển sinh đào tạo hai hệ là sơ cấp nghề và TC nghề. Với hệ sơ cấp nghề thì vấn đề tuyển sinh không quá phức tạp, nhưng với hệ TC nghề thì vô cùng khó khăn. Nhà trường phải liên hệ với các địa phương để tổ chức tuyển sinh, nhưng: "Tuyển được đã khó, giữ chân được học viên đến khi kết thúc khoá học lại càng khó hơn, vì chỉ cần có cơ hội học hệ ĐH-CĐ là các em bỏ học luôn" - cô Hương buồn bã nói.

Đồng quan điểm với cô Hương, đại tá Phùng Đức Tiến - Hiệu trưởng Trường TC nghề số 12 cho biết: "Mỗi năm trường chúng tôi tuyển sinh đào tạo nghề cho 2.400 - 2.500 học viên. Sở dĩ số lượng lớn là bởi có nguồn từ bộ đội xuất ngũ (khoảng 1.000 người), còn lại là những học sinh tự do. Việc vận động các em đi học nghề thực sự rất khó khăn, vì ít người quan tâm tới hệ TC". Cũng theo thầy Tiến, hiện nay có nhiều học viên đến trường học do nhu cầu của… gia đình, để giao lưu kết bạn, chứ không phải nhằm mục đích chính là học nghề lập nghiệp.

Cần thay đổi trong đào tạo

Để khắc phục tình trạng trường thiếu học viên, nhiều trường đã đưa ra nhiều biện pháp để "hút" học viên. Chẳng hạn như Trường TC nghề May và Thời trang Hà Nội có kế hoạch rút ngắn thời gian đào tạo hệ TC, từ 24 tháng xuống còn 12 tháng. Thay vì đào tạo nghề may và thời trang chung chung, từ năm 2011, Trường TC nghề May và Thời trang Hà Nội sẽ chuyển hướng dạy nghề theo nhu cầu của các doanh nghiệp và của người học, như may veston, nhặt chỉ…

img Mỗi năm trường chúng tôi đào tạo 300 học viên hệ TC nghề. Tuy nhiên, trong quá trình từ lúc học đến khi kết thúc khoá học luôn có khoảng 25% học sinh bỏ học giữa chừng. img

Cô Nguyễn Thị Hương cho hay: "Muốn các trường nghề thuận lợi hơn trong vấn đề tuyển sinh, thì việc đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức của học viên về học nghề. Đó là việc của công tác hướng nghiệp ở các trường THPT. Về phía chúng tôi, từ thực tế thị trường lao động, trường cũng phải thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tế của các học viên".

Trường TC nghề Xây dựng Viglacera thì thu hút học sinh bằng cách mở rộng các khối ngành học, hiện trường đang đào tạo các ngành công nghệ thông tin, điện dân dụng, điện công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng dân dụng, nghề hàn…. Địa phương nào có các công trình xây dựng lớn, trường sẽ tổ chức tuyển sinh tại địa phương đó để tạo việc làm tại chỗ…

Ông Phùng Đức Tiến - Hiệu trưởng Trường TC nghề số 12 cho biết: "Để thu hút học viên đến với trường, nhà trường đã liên tục cập nhật những phương pháp giảng dạy mới, hiện đại. Tăng cường số tiết thực hành, giúp người học chủ động trong việc học, tiếp thu những kỹ năng nghề nghiệp".

Tuy nhiên, cũng theo thầy Tiến, nếu học sinh và các gia đình không thay đổi cách nhìn với học nghề, thay đổi tư duy về học nghề thì dù các trung tâm nghề, các trường dạy nghề có cố gắng đến đâu cũng khó để tuyển sinh chứ đừng nói đến việc giữ chân học sinh.