Dân Việt

Vàng giết môi trường

19/02/2011 07:33 GMT+7
(Dân Việt) - Tình trạng khai thác vàng diễn ra vô tội vạ (tại Quảng Nam) đã làm thất thoát rất lớn nguồn tài nguyên vàng, gây nguy hại cho môi trường sinh thái. Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều bất cập.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, chỉ riêng trên địa bàn huyện Phước Sơn hiện có đến 15 doanh nghiệp khai thác vàng.

img
Các doanh nghiệp đưa xe máy vào phá rừng để mở đường vận chuyển vật liệu, máy móc và vàng sa khoáng.

“Tọa độ chết”

Một chủ doanh nghiệp được cấp phép cho khai thác vàng tiết lộ: “Trước đây, do khai thác thủ công nên mạnh ai nấy làm. Tuy nhiên, doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng tận thu bây giờ “khôn ngoan” không kém. Họ không xin phép tràn lan mà lựa điểm nào “ngon ăn” nhất mới đến gõ cửa các cơ quan chức năng xin giấy phép khai thác”.

Dù vậy, chuyện khai thác vàng cũng “5 ăn, 5 thua”. Doanh nghiệp băm nát rất nhiều khu rừng, nhưng chỉ có một vài điểm là có nhiều vàng. Rất nhiều địa điểm môi trường tan hoang vì đào bới, nhưng vàng chẳng thấy đâu khiến doanh nghiệp phá sản. Dân Quảng Nam gọi điểm có vàng là “tọa độ chết”. Ở đâu có vàng, ở đó môi trường tan hoang.

Ông Doãn Văn Thanh - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TNMT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Những điểm mà doanh nghiệp khai thác hiện nay thực chất là bãi vàng lậu bị các cơ quan chức năng phá dỡ. Kinh nghiệm của giới làm vàng là ưu tiên chọn những địa điểm khai thác tận thu mà dân thổ phỉ đã khai thác. Tuy nhiên, sau khi đầu tư trang bị hệ thống thăm dò, khai thác hiện đại ở những tọa độ mới, vẫn có doanh nghiệp phá sản. Điển hình như Công ty TNHH Hồng Bình, sau một thời gian hoạt động đã phải rút lui vì làm ăn thua lỗ”.

Tất nhiên trước khi phá sản, doanh nghiệp nào cũng đã “tích cực” phá nát nhiều khoảnh núi, lòng sông suối, cánh rừng.

Trong khi tình trạng đào đãi vàng có phép lẫn trái phép gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động, thì các biện pháp chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Nam, mỗi năm đi “thị sát” một lần, về báo cáo lại chứ không có chức năng nào khác.

Ông Dương Chí Công - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Bên cạnh, vì muốn có thêm ngân sách, không ít địa phương cấp xã, huyện đã “bật đèn xanh” cho các đơn vị, cá nhân khai thác vàng trái phép, để thu tiền vào ngân sách hoặc yêu cầu đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản vàng”.

Khoét rỗng rừng, núi

img 100% người đào đãi vàng dưới sông, suối là dân địa phương. Huyện, tỉnh về đẩy đuổi đôi ba lần, nhưng sau đó, họ lại tiếp tục làm. Cán bộ xã thì không thể nằm rừng suốt ngày để truy đuổi. img

Ông Hồ Văn Phen -

Chủ tịch UBND xã Phước Thành

Trong quá trình tác nghiệp thực tế, chúng tôi tận mắt chứng kiến các dòng sông, suối của huyện Phước Sơn, Hiệp Đức từng ngày bị “bức tử” bởi nạn khai thác vàng sa khoáng diễn ra tràn lan.

Ngay dưới chân cầu treo sông Nước Mỹ, mỗi ngày có hàng trăm người dân đào đãi vàng sa khoáng, làm dòng nước đỏ ngầu. Nhiều đoạn sông trơ đáy, lởm chởm đá, song người dân vẫn dùng cuốc, xẻng đào bới, mang đến khu vực có nước để đãi vàng.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 113 giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, do Bộ TNMT, Bộ Công Thương, UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực. Trong đó, 32 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản vàng được cấp cho doanh nghiệp.

Tỉnh cấp, huyện cũng muốn cấp. Ông Bùi Duy Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức hiến kế: “Để nguồn tài nguyên vàng không bị trôi nổi, địa phương đề nghị lãnh đạo tỉnh, Sở TNMT cho phép huyện quản lý, khai thác tận thu, để có thêm ngân sách xây dựng hạ tầng nông thôn. Huyện đã quyết liệt, song chúng tôi cản không nổi nạn “vàng tặc” hoành hành ở các lòng sông”.

Hầu hết các doanh nghiệp khai thác tận thu vàng gốc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều đặt đại bản doanh nằm trên đồi núi cao, được che phủ bởi đại ngàn Trường Sơn. Hệ thống xử lý nước thải tại các doanh nghiệp khai thác vàng được trang bị rất sơ sài, vận hành theo kiểu hình thức là chính.

Nước thải quặng sau khi được rửa lọc trên các máng sàng tuyển vàng, được đưa ra các bể chứa tự chế, sau đó đổ trực tiếp xuống sông, suối. Vì thế những dòng sông, con suối đã vô tình trở thành “bể” chứa chất thải cyanua.

Không những vậy, ở đâu có điểm khai thác vàng, ở đó trơ trụi những cánh rừng. Thực tế, để đi lại, vận chuyển vàng thuận lợi, có doanh nghiệp đã lén lút phá rừng, mở đường trong khi chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng. Gần nhất, Công ty TNHH Phước Minh, Công ty TNHH Nam Mai, Công ty TNHH Một thành viên Hà Thắng bị xử phạt gần 100 triệu đồng vì đã phá rừng, vi phạm Luật Khoáng sản.

Có thể nói, việc khai thác vàng có phép lẫn trái phép tại Quảng Nam đã kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, nhưng cuộc đấu tranh với “kẻ hủy diệt môi trường” trong thời gian qua ở địa phương này vẫn chưa thực sự quyết liệt.