Dân Việt

Việc cấp thiết

20/02/2011 17:39 GMT+7
(Dân Việt) - Học sinh bỏ học không phải cá biệt mà quá phổ biến. ĐÓ là một thực tế rất đáng lo ngại. Học sinh bỏ học nhiều không chỉ là câu chuyện riêng của ngành giáo dục, mà là việc đại sự của quốc gia.

Học sinh ở vùng nào bỏ học? Xin trả lời ngay: Đa số là vùng nông thôn, miền núi ở các tỉnh phía Bắc, một số tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năm nào cũng thế, cứ sau Tết là nhiều học sinh nghỉ học, thầy cô đến tận nhà thuyết phục nhưng không giữ được học trò. Nhiều phụ huynh nói thẳng là phải đi kiếm cái ăn trước khi kiếm cái chữ. Đói chữ không chết, đói ăn chết chắc. Có phụ huynh đề nghị cho gạo đủ ăn thì con họ mới đi học được. Thầy cô thương học trò nhưng đành chịu.

Nông thôn muốn phát triển thì trước hết là nâng cao dân trí. Thanh thiếu niên phải được học hành, có nghề nghiệp, có kiến thức. Nhưng thực tế cho thấy, người dân vùng nông thôn quá nghèo, nhiều gia đình con cái không được học hành. Thế hệ này không được học, cái nghèo đeo đẳng, thế hệ sau lại tiếp tục nghèo, lại bỏ học. Cái vòng nghèo đói và thất học cứ quấn lấy cuộc đời của nhiều người, không thoát ra được. Người dân nông thôn nằm trong khung "dân số vàng" vì số lượng thanh niên ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ rất cao. Nhưng thực ra chẳng phải là "vàng" bởi chất lượng nguồn nhân lực quá kém.

Tình trạng học sinh vùng nông thôn bỏ học hiện nay còn phản ánh một thực trạng khác, đó là khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng xa. Thành tựu của phát triển hầu hết tập trung ở các các đô thị, các tỉnh công nghiệp, còn người dân vùng nông thôn vẫn như đang đứng bên lề để ngắm nhìn sự phát triển đó.

Có thể nhìn một đất nước qua gương mặt trẻ em. Nhiều trẻ em đang tuổi ăn, tuổi học nhưng phải bỏ học đi làm việc kiếm sống thì đất nước còn có nhiều việc phải làm. Đầu tư cho giáo dục ở vùng nông thôn, miền núi, xây dựng nông thôn mới là những việc cấp thiết.