Dân Việt

Vững bước trên “đôi chân” niềm tin

20/02/2011 09:08 GMT+7
(Dân Việt) - Số phận không may mắn đã cướp mất của tôi đôi chân và nửa người bên dưới, nhưng những gì trong hành trang tôi có chẳng hề thua kém các bạn sinh viên đồng trang lứa.
img
Nguyễn Thị Ánh Ngọc.

Dẫn đầu khóa về học tập, luôn có mặt trong các phong trào, được nhận hàng chục học bổng trong và ngoài nước, với tôi niềm tin chính là “đôi chân” để bước vào đời...

Cha mẹ làm ruộng, gia cảnh túng thiếu, tôi sinh ra đã bị cong vẹo cột sống nên phải làm bạn với bệnh viện và thuốc từ khi còn ẵm ngửa. Lên 4 tuổi, cha mẹ đưa tôi về Bệnh viện Nhi Trung ương chữa trị bằng áo nẹp chỉnh hình để tôi có thể "bước thấp, bước cao", tự đến trường. Từ lớp 1 đến lớp 7, tôi luôn là học sinh giỏi, là lớp trưởng...

Năm lên lớp 8, một chuyên gia phẫu thuật cột sống người Pháp sang Bệnh viện Nhi làm việc, đã tư vấn trường hợp của tôi nên làm phẫu thuật chỉnh hình. Vay mượn khắp nơi, cha mẹ mới đủ tiền để tôi lên bàn mổ. Nhưng ca phẫu thuật thất bại, chẳng những không có được hình dáng bình thường mà tôi lại bị liệt nửa người dưới, không còn khả năng đi lại, tự chủ trong sinh hoạt cá nhân và phải ngồi xe lăn vĩnh viễn.

Nhìn những vết nhăn trên trán cha, những giọt nước mắt trên má mẹ, tôi tự nhủ phải sống thật đàng hoàng để không có những cái nhìn thương hại mình. Tôi lao vào học, liên tiếp từ lớp 9 đến lớp 12, tôi luôn ở trong tốp có kết quả học tập dẫn đầu, hai năm liền là học sinh giỏi hóa cấp tỉnh. Ngoài thời gian học tập, tôi làm việc nhà, tự lăn xe ra chợ bán rau để thêm chi phí giúp cha mẹ.

Chính tôi cũng nhiều lần tự hỏi, tại sao mình lại có thể bình thản đón nhận điều mà với mọi người là bất hạnh, chưa lúc nào thấy ganh tị khi bạn bè có thể đi lại bằng đôi chân còn tôi thì không, nhiều lúc hòa mình vào tập thể, tôi thực sự quên đi khiếm khuyết của bản thân mình.

Ngày tôi thi và đỗ vào Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cả nhà vỡ oà niềm vui. Tôi biết đôi vai cha mẹ sẽ oằn thêm gánh nặng, nhưng phải học để tự hoạch định được tương lai, đó mới là cách báo hiếu của người con chỉ sống bằng nửa cơ thể như tôi.

Giờ đây, vượt qua mọi khó khăn, rào cản, tôi sắp trở thành cử nhân chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, với tấm bằng giỏi. Người bình thường đi được trên con đường học vấn không đơn giản, với tôi con đường ấy còn khó khăn gấp vạn lần.

Với sự tảo tần của cha mẹ, sự giúp đỡ của bạn bè cùng khoa, cùng khóa, nguồn vốn vay ưu đãi dành cho sinh viên và các học bổng khuyến khích, tôi đang đến rất gần ước mơ mà mình hằng ấp ủ.

Dẫu biết rằng được đi làm sau ngày tốt nghiệp là rất mong manh, vì bao sinh viên bình thường khác ra trường còn khó kiếm được việc làm, huống hồ tôi là một người khuyết tật. Nhưng tôi có niềm tin, niềm tin ấy sẽ là đôi chân đưa tôi đi đến ngày mai tươi sáng hơn...