Hiện đang có một số thông tin lan truyền trên mạng cho biết, lượng mỡ thừa lấy ra từ cơ thể người sau các phẫu thuật giảm béo, có thể tái sử dụng để bơm ngực, căng da mặt và sản xuất mỹ phẩm.
Có hay không hoạt động này?
Không thể tuỳ tiện sử dụng mỡ người
Trao đổi với phóng viên, TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, cho biết, ông chưa từng biết đến chuyện mua bán mỡ người trên internet, cũng như việc trao đổi mỡ ở các cơ sở thẩm mỹ trong nước.
“Nếu có, vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người, bởi sử dụng mỡ để phẫu thuật, tái tạo các vùng da lõm, khuyết trên cơ thể cần có sự kiểm tra, xét nghiệm kỹ càng và phải được tiến hành bởi các trung tâm thẩm mỹ, bệnh viện có chuyên môn cao.
Mỡ của người nào sẽ được sử dụng cho cơ thể của chính người đó, nếu đem bán hoặc san sẻ cho cơ thể người khác, sai quy trình phẫu thuật có thể gây phản ứng miễn dịch, viêm nhiễm, sưng tấy mạnh, thậm chí dẫn đến tử vong”, BS Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo BS Tuấn, việc dùng mỡ người để sản xuất mỹ phẩm, hiện chưa được nghiên cứu và chưa có bất cứ minh chứng nào cho thấy các loại mỹ phẩm đó mang lại tác dụng cho sắc đẹp con người.
ThS.BS Lê Nguyễn Diên Minh, khoa phỏng – tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết thêm, sử dụng mỡ người trong phẫu thuật tái tạo hiện chưa phổ biến, bởi chi phí cho một lần phẫu thuật cao hơn nhiều so với các kỹ thuật khác. Tuỳ vào cơ địa mỗi người, lượng mỡ cấy vào cơ thể sẽ hấp thụ và có tác dụng hết hoặc 30% số mỡ đó sẽ không được hấp thụ.
Vì vậy, bệnh nhân phải trải qua nhiều lần cấy ghép với khoảng cách thời gian nhất định thì mới mong đạt hiệu quả như ý.
Thận trọng với phẫu thuật cấy ghép mỡ
BS Tuấn cảnh báo, hiện nay có nhiều phụ nữ cứ tìm đến các cơ sở thẩm mỹ nhờ lấy mỡ vùng mông, đùi… của mình để làm to lên vùng ngực. Đây là việc làm đẹp cần phải rất hạn chế bởi lượng mỡ mỗi lần đưa vào không đủ để làm đầy vùng ngực.
Hơn nữa, khi mỡ đưa vào vùng ngực, mô mỡ sẽ được các tổ chức xơ bao bọc xung quanh giống như những khối u nhỏ. Hiện tượng này thường gây ra sự nghi ngờ, nhầm lẫn bệnh tật hoặc bệnh nhân không thể phân biệt mô mỡ với các khối u ung thư. Vì vậy, việc cấy ghép mỡ ở vùng ngực sẽ không an toàn bằng các loại hình phẫu thuật tái tạo khác nên phải rất thận trọng.
Cùng quan điểm với BS Tuấn, BS Minh cho biết cấy ghép mỡ tự thân chỉ sử dụng cho các vùng da bị lõm, hóp như ở vùng mặt, bả vai, mu bàn tay. Mỡ được lấy từ vùng bụng, mông, đùi, sàng lọc bỏ đi những tế bào tạp, lạ; giữ lại phần tế bào mỡ sống tinh chất để cấy vào vùng da lõm.
Kỹ thuật này cần thực hiện cẩn thận và có sự giám sát bởi các chuyên gia thẩm mỹ chuyên môn cao. Nếu làm sai quy trình, không tinh lọc tế bào mỡ kỹ, lượng mỡ cấy vào da có thể làm cho mỡ mau tan, sớm hoại tử, hoặc gây méo mó hình dạng vùng da được làm đầy. Hơn nữa, cấy ghép thường diễn ra nhiều lần, và mỗi lần không quá 100ml mỡ.
“Nếu vượt quá lượng mỡ cho phép, lượng máu tại vùng da cấy ghép sẽ không đủ nuôi sống lượng mỡ đưa vào. Mỡ không thẩm thấu sẽ bị hoại tử, buộc phải phẫu thuật lấy ra khỏi cơ thể nếu không muốn gây biến chứng, tắc mạch do mỡ”, BS Minh lưu ý.
Một thỏi mỡ người cô đặc được phát hiện trong vụ án giết người lấy mỡ ở Peru. Ảnh: tư liệu internet. |
– Năm 2008, bác sĩ Craig Alan Bittner (Mỹ) đã sử dụng lượng mỡ thừa bỏ đi từ các lần phẫu thuật bệnh nhân để chế tạo ra loại nhiên liệu dùng cho chính chiếc xe hơi của mình.
– Năm 2008, Pete Bethune (New Zealand) đã gây sốc thế giới khi điều khiển một chiếc thuyền cao tốc chạy bằng nhiên liệu sinh học chiết xuất từ mỡ người.