Ấy vậy mà chắc ban tổ chức (BTC) V.League lại đang thấy lo hơn mừng. Bởi chẳng ai mà biết, những đội không còn động lực sẽ đá theo kiểu gì. Thậm chí ngay cả những đội có mục tiêu cũng có thể khiến tất cả phải ngỡ ngàng bởi “màn trình diễn” khó tin của họ.
Khác với cái thời V.League chưa đá vòng cuối mà BTC đã biết ai vô địch khi chỉ mang duy nhất một chiếc cúp đến sân của đội (sẽ) vô địch cách đây hơn chục năm, năm nay có tới 2 chiếc cúp được chuẩn bị sẵn. Nhưng sự lo xa ấy cũng không thể bảo đảm là các trận đấu sẽ trở nên kịch tính hay lại toàn “kịch” tính.
Thực tế, chẳng cần đợi đến vòng cuối, trong 25 vòng đấu đã qua, V.League tiếp tục có những trận cầu “có mùi”, nhưng những người có chuyên môn và quyền quyết định lại phán là “bình thường thôi”. Thêm nữa, bóng đá Việt Nam mang cái danh chuyên nghiệp hơn một thập kỷ, nhưng những điểm yếu như bạo lực sân cỏ, sự phụ thuộc quá mức vào ngoại binh, một ông chủ nắm 2 đội bóng, treo thưởng vô tội vạ… vẫn mãi tồn tại cứ như thể đó là điều tất lẽ dĩ ngẫu (?!).
Nếu không có gì “bất ngờ”, một cái kết với nhiều điểm nhấn sẽ trở thành “cái phao” giúp BTC che đi những vấn nạn, tranh cãi đã qua. Còn người hâm mộ thì cứ tiếp tục giữ lấy ước mơ về một V.League “trung thực, sôi động, đẹp mắt, cống hiến”, dù chẳng biết đến bao giờ điều đó mới trở thành hiện thực.
Long Nguyễn