Cháu Phi sinh ra trong một gia đình bình thường. Bố mẹ Phi là những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng cháu có một khả năng rất đặc biệt. Lúc mới biết nói, Phi luôn miệng hỏi ông bà, cha mẹ bất kỳ từ nào mà cháu nhìn thấy.
Biết được sở thích của con mình, chị Nguyễn Thị Thương mua cho Phi một bộ chữ cái. Chỉ cần ông bày qua một lần là biết, đến vài ngày sau cháu Phi vẫn còn nhớ và ghép được những từ đơn giản như: ông, bà, cha, mẹ, dì, dượng… nếu có người hỏi cháu.
Các bạn trong lớp ra chơi, riêng Phi vẫn ngồi lại trong phòng học để đọc sách. |
Chị Thương nhớ lại: “Gia đình chúng tôi bắt đầu phát hiện ra khả năng đặc biệt này của cu “Cún” khi cháu tự bắc ghế, đứng lên đọc rành mạch những câu đối (bằng tiếng Việt) treo trong nhà. Khi đó, cháu Phi mới được hai tuổi. Sau khi đọc xong những câu đối, cháu Phi nói: “Những chữ bên trái khó đọc hơn những chữ bên phải mẹ ạ”. Hóa ra, những chữ trong hàng câu đối bên trái toàn thanh trắc, còn bên kia toàn thanh bằng lại luôn vần nên dễ đọc hơn”.
Năm nay cháu Phi đã lên 5 tuổi, hiện đang theo học lớp mẫu giáo nhỡ của trường mầm non xã Gio An. Cô hiệu phó Nguyễn Thị Liên cho biết: “Ngày đầu tiên đến trường, cháu Phi khiến các cô giáo ở đây hết sức ngạc nhiên. Ở độ tuổi mẫu giáo, các cháu chỉ mới được học vẽ và tập tô màu, chưa được làm quen với bảng chữ cái, nhưng cháu Phi đọc vanh vách tất cả những từ có trong phòng học cũng như những chữ trên ti vi và đếm được từ 1 đến 200 và ngược lại... nên các cô gọi cháu là “thần tài”.
Một phép thử được đưa ra để kiểm chứng khả năng đặc biệt của cháu Phi. Tôi lấy một tờ báo đưa cho cháu và yêu cầu đọc thử, thì cháu đọc ngay tên báo và tựa đề bài báo. Thật đáng ngạc nhiên hơn khi cháu Phi còn đọc đúng chính xác nội dung bài báo một cách thành thạo với giọng đọc diễn cảm, ngắt, nghỉ từng dấu chấm phẩy đúng lúc, mặc dù kích cỡ chữ viết trên báo rất nhỏ. Khi tôi nói: “Thôi được rồi”, thì cháu Phi trả lời: “Chưa hết mà”!
Bức tranh này được Phi vẽ hoàn thành trong vòng 5 phút. |
Không giống như các bạn cùng lớp đang ở tuổi ăn tuổi chơi, mỗi khi cô giáo cho các bạn ra chơi thì Phi không chịu ra mà ngồi lại ở trong lớp, tự đi tìm sách, báo, truyện tranh… để đọc rồi kể lại cho các bạn cùng nghe. Vì thế mà cậu cu “Cún” còn có thêm một biệt danh khác là con “mọt sách”. Nhiều hôm, gia đình đến trường đón về nhưng cháu Phi chưa muốn về mà muốn ở lại trên lớp để đọc sách, báo hoặc vẽ tranh. Phi vẽ tranh rất đẹp và nhanh.
Ngoài khả năng đọc sách, báo, đếm số, kể chuyện, vẽ tranh…, cháu Phi còn có thêm một “tài lẻ” khác, đó là soạn, gửi, đọc tin nhắn thay cho mẹ và thông báo cho mẹ biết mỗi khi có cuộc gọi nhỡ điện thoại. Khả năng đặc biệt của Phi do cháu tự mày mò, tìm tòi, học hỏi chứ không hề ảnh hưởng phương pháp giáo dục của gia đình hay nhà trường. Gia đình không muốn Phi biết thêm nhiều thứ vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu sau này.
Cô giáo Nguyễn Thị Liên cho biết thêm: “Về chiều cao, cân nặng, cháu Phi hoàn toàn bình thường. Cháu rất thông minh, tiếp thu bài giảng của cô giáo rất nhanh lại có trí nhớ rất tốt… nhưng cháu rất trầm tư và ít nói. Một điều dễ nhận thấy ở Phi là ít khi nghe lời cô giáo mà chỉ thích làm theo ý thích riêng của mình.
Tôi đang phân vân về một phương pháp dạy dỗ những cậu bé có khả năng đặc biệt như thế này sao cho phù hợp để phát huy được trí thông minh và sự sáng tạo của các cháu, bởi khả năng học tập của cháu khác hẳn so với các bạn học cùng lớp bình thường”.
Mẹ cháu Phi chia sẻ: “Gia đình chúng tôi rất tự hào về khả năng đặc biệt của cháu nhưng cũng cảm thấy lo lo. Chúng tôi muốn sau này trí não của cháu vẫn phát triển bình thường”. Hy vọng với khả năng vượt trội của mình, cháu Nguyễn Văn Phi sẽ có một tương lai tươi sáng.