Đã xuất hiện bài thi 9,5 điểm môn Văn
Học sinh thi môn Văn tại Cần Thơ. |
Kỳ thi này, tỉnh Quảng Ngãi chấm thi chéo bài thi của học sinh tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhận định của nhiều giáo viên chấm thi cho hay, (có lẽ) thí sinh Thừa Thiên - Huế học các môn xã hội bài bản hơn nên tình trạng bài viết ngô nghê rất ít.
Ngày đầu chấm thi môn Văn đã xuất hiện một bài viết mà cả 3 giám khảo (2 giám khảo chấm lần 1, lần 2 và thanh tra chấm thi) đều thống nhất cho 9,5 điểm. Bài thi chưa ghép phách nên chưa biết của thí sinh nào. Ông H.N.T, giáo viên chấm thi cho hay, đây là bài viết rất tốt. Thí sinh viết có cảm xúc, nhất là câu 2 (câu nghị luận xã hội).
“Câu chữ không triết lý sâu xa mà rất hồn nhiên của học trò, trong sáng, đầy hoài bão và có năng lực phân tích. Bài nghị luận này, thí sinh chứng minh khá rộng và thuyết phục về việc chọn nghề ảnh hưởng thế nào tới tương lai. Trong đó có kể câu chuyện về Bill Gate, ông chủ của Hãng Microsoft, về sự lựa chọn nghề của ông trên cơ sở đam mê, yêu thích và có khả năng phán đoán của ông với tương lai của máy tính… Bài viết cũng có so sánh với cách chọn nghề có phần vô trách nhiệm của học sinh hiện nay”- thầy T nói.
Một giáo viên bộ môn Toán ở một trường THPT thuộc thành phố Cần Thơ cho biết: Năm nay, đơn vị chấm bài thi tự luận của Cần Thơ là giáo viên tỉnh Sóc Trăng. Kết quả chấm thi môn Toán có điểm rất cao.
Ngày đầu (8.6) chấm thử 15 bài thì hầu hết đều trên trung bình, còn những ngày sau, tần số điểm cao ngày càng nhiều, thậm chí điểm từ 8-10 chiếm tỉ lệ cao. Còn môn Văn – môn thường đứng đầu về số điểm 0,1 điểm thi năm nay cũng được cải thiện, trong đó số điểm 8-9 cũng khá nhiều so với năm trước.
“Chuẩn chung, chuẩn riêng”
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, một số giáo viên dạy bộ môn Văn ở Vĩnh Long cho biết: Sau khi thi xong, ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL tổ chức “hội ý” các lãnh đạo chấm ở bộ môn Văn để “thống nhất” đáp án cho khu vực này.
Cụ thể, ở câu 1 (phần chung cho tất cả các thí sinh), theo hướng dẫn chấm của Bộ GDĐT: Trong đoạn cuối truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?
Đáp án là: Những hình ảnh thường hiện lên là:
+ Màu hồng hồng của ánh sương mai.
+ Người đàn bà vùng biển (người đàn bà làng chài) bước ra từ tấm ảnh.
- Những hình ảnh đó nói lên:
+ Chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống.
+ Hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người.
Nếu thí sinh làm trọn vẹn thì được 2 điểm. Nhưng theo thống nhất của khu vực ĐBSCL, nếu thí sinh làm được: Màu hồng hồng/ánh sương mai/người đàn bà/chiếc thuyền… cũng đạt số điểm là 1.
Còn ở câu số 3 phân tích đoạn thơ trong bài “Tây tiến” của Quang Dũng (chương trình cơ bản) và phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân (chương trình nâng cao), nếu học sinh làm câu 3a mà diễn xuôi đoạn thơ cũng có từ 2-3 điểm. Câu số 3b, học sinh phân tích cả 3 nhân vật (bà cụ Tứ, Tràng, cô vợ nhặt) thì chấm phần phân tích nhân vật Tràng.
Một giáo viên ở An Giang cho biết: “Với đáp án này thì giám khảo chấm cũng nhẹ nhàng, còn học sinh sẽ có điểm cao nhưng cũng khó cho giám khảo khi thực hiện chấm bài, nhất là với những bài được Thanh tra chấm của Bộ chấm lại”.
Thế nhưng, điều này chắc khó phát hiện bởi Thanh tra chấm thi của Bộ GDĐT nhưng thực chất cũng là của ngành giáo dục ở khu vực ĐBSCL nên có thể cũng đã được quán triệt tinh thần đó.
Bình An