Di chuyển với tốc độ nhanh, cường độ bão tăng thêm bốn cấp so với lúc mới hình thành, đường đi của bão bẻ dần thành hình vòng cung khi đến gần đất liền, khiến việc dự báo địa điểm bão số 8 đổ bộ vào là rất khó tiên lượng, thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cho biết.
Hiện bão đang hoành hành dữ dội các vùng biển và đất liền từ miền Trung trở ngược ra miền Bắc. Do ảnh hưởng của bão, tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) ghi nhận được gió mạnh 17m/s (cấp 7), giật 23m/s (cấp 9); đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh 18 m/s (cấp 8), giật 24m/s (cấp 9); đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh 12m/s (cấp 6), giật 21m/s (cấp 9); TP Đồng Hới (Quảng Bình) gió giật 16m/s (cấp 7); Kỳ Anh (Hà Tĩnh ) gió mạnh 12 m/s (cấp 6), giật 21m/s (cấp 9).
Bão số 8 có đường đi dị thường |
Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa thu được phổ biến từ 50-100mm; một số nơi mưa nhiều hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 162mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 135mm; Tà Rụt (Quảng Trị) 145mm. Tà Lương (Thừa Thiên Huế) 198mm, A Lưới (Thừa Thiên Huế) 136mm …
Lúc 7 giờ ngày 28.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An – Nam Định khoảng 130km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (từ 134-149 km/giờ), giật cấp 14-15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 19 giờ 28.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay sát bờ biển tỉnh Thanh Hóa - Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (từ 103-133 km/giờ), giật cấp 13-14.
Mây trong bão |
Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa bắc tây bắc và bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 7 giờ ngày 29.10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (từ 39-49 km/giờ), giật cấp 7.
Trong khoảng 36 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi đông bắc Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, phía nam vịnh Bắc Bộ có gió xoáy mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 14-15. Biển động dữ dội, phía bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 13-14. Biển động dữ dội, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ninh có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có gió giật cấp 6-7.
Phía đông Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía tây Bắc Bộ, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều, nên miền biển tỉnh Thái Bình - Thanh Hóa nước biển dâng cao khoảng 3-4m.
Đây là cơn bão thứ ba đổ bộ vào nước ta có đường đi kỳ dị. Trước đó, bão số 6 và 7 khi đi vào đất liền đã di chuyển dị thường.
Lưu Minh Hải