Hội thi do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ NNPTNT, T.Ư Hội NDVN, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Các đội trổ tài trong phần thi trắc nghiệm. |
Càng học càng thấm
Sau lựa chọn ở vòng bán kết diễn ra trước đó, 7 đội dự thi của Hà Nội, Nghệ An, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng hào hứng bước vào buổi thi chung kết, với 4 phần thi: Chào hỏi; Giải đáp tình huống pháp lý; Trả lời câu hỏi trắc nghiệm và Tiểu phẩm tuyên truyền.
Trước đó, ở hội thi khu vực, 10 thành viên của đội tuyên truyền pháp luật xã Thanh Giám (Tương Dương, Nghệ An) phải chuẩn bị cả tháng trời. Vi Văn Hoàng - thành viên của đội thổ lộ: “Học và tập tành cũng cực lắm. Riêng câu hỏi về các điều luật, quy định pháp luật lên tới cả mấy trăm câu.
Rồi còn phải xây dựng kịch bản màn chào hỏi, tiểu phẩm nữa. Nhà nông bận bịu, bọn em tranh thủ lúc rảnh để tập luyện thôi...”. Nhóm thí sinh dân tộc Thái đến từ xã Chiềng Mai (Mai Châu, Sơn La) chia sẻ: “Càng học càng thấy thấm. Học, hiểu được nhiều điều về pháp luật, bản thân chúng tôi cũng tự tin hẳn lên, giờ trở thành thói quen, hễ trong bản, trong xã có chuyện gì là mình lại nhớ đến điều luật nọ, quy định kia để giải thích cho bà con hiểu...”.
Đối với chị Nông Thị Minh, dân tộc Giáy, ở xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) thì việc tập luyện không vất vả lắm. Lý do đơn giản là nhiều điều luật, quy định pháp luật đã được chị và cả nhóm hiểu, biết từ lâu rồi. Năm 2008, nhóm tuyên truyền pháp luật của xã Quang Kim đã từng đoạt Giải Nhất toàn tỉnh về thi tìm hiểu pháp luật về an ninh trật tự biên giới quốc gia. “Lần ấy, chúng tôi tập luyện kỹ lắm. Sẵn cái đà ấy, giờ tham gia hội thi này càng hiểu và biết thêm một số điều luật, quy định khác. Biết nhiều về pháp luật thì bản thân, gia đình tránh được những nguy cơ phạm pháp cũng như biết đấu tranh với tội phạm...”.
Phát huy bản sắc văn hoá
Không chỉ hiểu và biết nhiều về kiến thức pháp luật, các thí sinh còn mang tới hội thi bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo thông qua trang phục, lời ăn tiếng nói mộc mạc, chân chất của đồng bào DTTS. Khán giả có mặt tại hội trường lớn Trường Đại học Luật Hà Nội đã rất thích thú khi xem các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật do chính các thí sinh xây dựng kịch bản và diễn xuất. Mâu thuẫn trong các tiểu phẩm rất dễ thấy, gần gũi trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào.
Chủ đề của các tiểu phẩm cũng hết sức đa dạng, phong phú và được phản ánh dưới nhiều góc nhìn độc đáo, từ tảo hôn, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình tới bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, môi trường, tranh chấp đất đai, khiếu nại tố cáo...
Đội tuyên xã Thạch Giám (Tương Dương, Nghệ An) đem đến Hội thi tiểu phẩm về phòng chống bạo lực gia đình; đội xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) lại có tiểu phẩm về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; trong khi tiểu phẩm của đội huyện Ba Vì (Hà Nội) có chủ đề về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường...
Với tiểu phẩm “Lời nguyền của bà cô”, các thí sinh đến từ xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La) mang đến cho khán giả và cả giám khảo cái nhìn thú vị, bổ ích trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và ngăn chặn tội phạm. GS - TS Ngô Quang Sơn - thành viên Ban giám khảo cho biết: “Tiểu phẩm đã khơi gợi việc chúng ta phải phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá của đồng bào DTTS vào việc xây dựng và thực thi pháp luật. Có những tập tục, phong tục rất tiến bộ, hữu ích trong đời sống hiện đại mà chúng ta phải phát huy...”.
Cùng đồng bào trải nghiệm kiến thức
Để phục vụ hội thi, Trường Đại học Luật Hà Nội đã cử một nhóm sinh viên tình nguyện giúp chuyển đạo cụ lên sân khấu. Bên cánh gà, cả nhóm đã hào hứng, hồi hộp trải nghiệm cùng các thí sinh trong phần thi trả lời câu hỏi trắc nghiệm. Những sinh viên này cho biết: “Là sinh viên năm thứ 2 nên có những điều khoản của luật, quy định của pháp luật bọn em còn chưa được học. Đây cũng là dịp hiếm có để chúng em trải nghiệm kiến thức cũng như nắm bắt cách nghĩ, cách nói về pháp luật của đồng bào DTTS...”.
Tập đến phút cuối
Mặc dù chỉ còn ít phút nữa là đến lượt đội huyện Sông Mã (Sơn La) lên thể hiện phần thi xử lý tình huống, nhưng bên cánh gà sân khấu, thí sinh tên Hồng vẫn cầm tập tài liệu để cố học thêm. Chị thổ lộ: “Có mấy tình huống mà từ ngữ pháp lý hơi khó nhớ, khó thuộc. Mình phải tập đi tập lại, càng gần đến lượt thi càng phải học để nhỡ có bắt trúng câu đó còn trả lời cho trơn tru, mạch lạc...”.
Có xôi gà bồi dưỡng
Sau phần khi thể hiện khá tốt tiểu phẩm “Chuyện nhà Man”, 10 thành viên của đội tuyên truyền pháp luật xã Thạch Giám (Tương Dương, Nghệ An) được bồi dưỡng ngay món xôi gà. Họ còn chia sẻ món xôi gà với đội đồng hương đến từ huyện Quỳ Hợp để cùng chia sẻ niềm vui...
Đông Hoàng
Nguyễn Công