Dân Việt

Bất lực trước “cà phê tặc”

29/10/2012 07:11 GMT+7
(Dân Việt) - Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên phải hái cà phê non, bởi một lý do đơn giản là sợ bị mất trộm. Nhiều năm nay, cứ đến mùa cà phê là mùa làm ăn của các băng trộm. Chính quyền bất lực, nông dân phải tìm kế thủ thân.

Hái cà phê non, nông dân chịu thiệt không ít. Mỗi tấn cà phê non mất giá khoảng 300.000 – 400.000 đồng so với cà phê chín đỏ. Biết vậy, nhưng nông dân đành ngậm đắng bởi chỉ sau một đêm là rẫy cà phê biến sạch. Có nhiều vụ bọn trộm chặt luôn cả cây mang đi. Nếu thuê người canh giữ, chưa chắc đã bảo đảm, nhưng lại mất tiền thuê mướn, lợi không bằng hại.

Nông dân thiệt đã quá rõ, nhưng doanh nghiệp cũng bị vạ vì nạn trộm cướp này. Cà phê non chất lượng kém, hạt bể vỡ nhiều nên không xuất khẩu với giá cao được. Một số doanh nghiệp nhập máy móc thiết bị để chế biến cà phê chín đỏ nhưng không có nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Mặc dù doanh nghiệp cố gắng thuyết phục nông dân chờ cà phê chín đỏ, nhưng nông dân vẫn cứ hái cà phê non vì sợ “cà phê tặc”.

Thương hiệu cà phê Việt Nam được xây dựng bằng nỗ lực nhiều năm trên thị trường thế giới. Yếu tố quyết định để xây dựng cũng như giữ gìn thương hiệu chính là chất lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chăm sóc tối đa từng cân cà phê trước khi đến tay người tiêu dùng trên thế giới. Cho nên, nếu nguyên liệu đầu vào chủ yếu là cà phê xanh thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cà phê, dẫn đến ảnh hưởng thương hiệu cà phê Việt Nam. Đây là mối đe dọa thực sự đối với ngành cà phê Việt Nam.

Biết là vậy nhưng nhiều năm nay chính quyền không ngăn chặn được.

Nói thẳng ra, đây là việc của chính quyền, để cho trộm cắp lộng hành ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người nông dân và doanh nghiệp là trách nhiệm của chính quyền. Nông dân trồng trọt sản xuất ra hạt cà phê đã đóng thuế cho Nhà nước, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê cũng đóng thuế cho Nhà nước. Số tiền này có một phần dành cho việc trả lương để chính quyền thực hiện công việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, trong đó có việc ngăn ngừa trộm cắp để người dân sinh sống an toàn và an tâm sản xuất.

Vùng chuyên canh Tây Nguyên mỗi năm thu về gần 3 tỷ USD, nếu khai thác tốt hơn, chất lượng được nâng cao thì sẽ tăng thêm giá trị kinh tế. Chính quyền địa phương không thể bó tay trước nạn trộm cắp, gây tổn hại đến người nông dân cũng như nền kinh tế của đất nước. Dẹp trộm cắp không xong thì còn làm được chuyện gì cho dân?