Viện phí tăng cao có thể khiến nhiều người bệnh và thân nhân “sốc”, nên Bộ Y tế cần tính toán việc tăng có lộ trình. |
Đúng nhưng chưa hợp lý
Bộ Y tế vừa công bố dự thảo điều chỉnh giá viện phí. Theo đó, khoảng 350/3.000 dịch vụ y tế dự kiến điều chỉnh tăng giá, trong đó có 70 loại tăng từ 7 - 10 lần. Theo GS, việc điều chỉnh này có cần thiết và hợp lý?
- Đây là việc làm đúng. Các dịch vụ kỹ thuật y tế dự kiến điều chỉnh tăng giá là các loại dùng nhiều thuốc, vật tư, hoá chất, điện, nước...
Kỹ thuật y tế ngày càng phát triển, các bệnh viện đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật mới, hiện đại. Bởi vậy, nếu không tăng viện phí, các bệnh viện sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu Bộ Y tế lý giải tăng viện phí để giúp các bệnh viện có thêm một phần kinh phí để bảo đảm các hoạt động tốt hơn thì không thực sự hợp lý bởi lâu nay, các bệnh viện cũng đã có sự điều chỉnh nhất định về giá viện phí. Ví dụ như Thông tư 14 ban hành cách đây 15 năm quy định 500-3.000 đồng một lần khám, giường điều trị 4.000-18.000 đồng/ngày, nhưng trên thực tế, các bệnh viện đều không còn áp dụng mức đó.
Điều chỉnh giá viện phí cần phải được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng và chặt chẽ bởi viện phí mới sẽ ảnh hưởng đến nhiều thành phần trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh.
Hơn nữa, dịch vụ y tế là dịch vụ công, không nhằm mục đích lợi nhuận, được nhà nước quản lý và bảo trợ. Do đó, cơ cấu giá phải được tính toán một cách khoa học, công khai. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh viện phí cần có lộ trình cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất. Bởi tăng giá tức thì từ 7 - 10 lần không phải là chuyện đơn giản.
Theo giáo sư, việc điều chỉnh viện phí có giúp tăng chất lượng khám, chữa bệnh?
- Đây là vấn đề đáng bàn và rất được người dân quan tâm. Có kinh phí để bù vào các khoản thâm hụt, rõ ràng các bệnh viện sẽ có điều kiện tốt hơn để tái đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá viện phí chỉ là một phần bởi chất lượng dịch vụ không chỉ phụ thuộc vào kinh phí mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, trang thiết bị chẩn đoán, điều trị, thái độ, tinh thần phục vụ của y, bác sĩ…
Việc điều chỉnh giá viện phí sẽ giúp các bệnh viện có điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhưng giải quyết các vấn đề không phải là chuyện có thể thực hiện một sớm một chiều. Song hành với việc này, mỗi bệnh viện cũng cần nỗ lực hơn nữa để thể hiện sự tích cực trong việc khám, chữa bệnh. Những thay đổi phù hợp sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn và cảm thấy hài lòng khi khám, chữa bệnh. Nhưng phương pháp và cách thức triển khai cần phải rõ ràng và đúng đắn để bảo đảm được tính hợp lý, đáp ứng yêu cầu của cả bệnh viện lẫn người khám, chữa bệnh.
Tình trạng quá tải tại các bệnh viện đang phổ biến. Nếu viện phí tăng, quyền lợi của người bệnh có được bảo đảm?
- Tình trạng quá tải hiện nay là không tránh khỏi và chưa thể khắc phục triệt để bởi cầu lớn hơn cung. Các bệnh viện dù rất nỗ lực cũng chỉ đáp ứng được người bệnh ở mức tốt nhất có thể. Việc người bệnh phải nằm ghép thì hầu như bệnh viện nào cũng có. Tiền giường bệnh tăng cũng chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc người bệnh được bảo đảm 1 người/giường. Bởi vậy, cần phải có những quy định cụ thể hơn để khi triển khai sẽ không gặp phải những khó khăn trong điều kiện và khả năng khác nhau của từng bệnh viện. Như việc tăng phí giường nằm cần chia trên số người nằm nếu phải ghép giường.
GS. Phạm Song
Phải có chính sách hỗ trợ người nghèo
Theo Bộ Y tế, hiện nay nước ta có hơn 53 triệu người (chiếm khoảng 62% dân số) đã có thẻ bảo hiểm y tế. Viện phí tăng, những người không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ chịu tác động lớn?
- Trên lý thuyết là như vậy. Nhưng thực tế thì những người có thẻ bảo hiểm y tế vẫn chịu tác động không nhỏ, đặc biệt là đối tượng chính sách, người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Giá viện phí tăng dựa trên thu nhập bình quân đầu người, nhưng rõ ràng, mức sống ở mỗi nơi mỗi khác. Nếu ở thành phố, người có thẻ bảo hiểm y tế đồng chi trả 5% viện phí khi khám, chữa bệnh không phải là vấn đề quá lớn thì với người nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đấy lại là một gánh nặng.
Hiện nay, có khoảng 14,7 triệu người nghèo, người dân tộc thiểu số được nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế hàng năm. Mặc dù vậy, viện phí tăng nên chi phí trong số 5% viện phí đồng chi trả cũng tăng trong khi cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn nên không phải ai cũng có thể "gánh" được khoản tăng này. Bởi chỉ tính theo mức đồng chi trả trước đây, người dân tộc thiểu số cũng đã gặp rất nhiều khó khăn rồi. Do vậy, cần có giải pháp cụ thể để hỗ trợ đối tượng này.
Ngoài việc điều chỉnh giá viện phí, Bộ Y tế cần có các hướng dẫn để bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh lập quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, người dân tộc thiểu số hoặc các trường hợp thực sự khó khăn. Bởi nếu viện phí tăng quá cao, người nghèo, người dân tộc thiểu số không thể chi trả thì rất có thể dẫn tới tình trạng tái nghèo ở nhiều nơi.
Với tư cách người dân, giáo sư đánh giá việc điều chỉnh viện phí như thế nào?
- Tôi vẫn ủng hộ việc điều chỉnh viện phí. Bởi trong 15 năm qua, đời sống có nhiều thay đổi, lương và giá cũng đã tăng. Nếu viện phí vẫn giữ nguyên thì quả thực, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng điều chỉnh như thế nào sẽ là vấn đề cần phải bàn thảo kỹ lưỡng trước khi triển khai, để quyền lợi của người bệnh được bảo đảm. Tăng viện phí phải đi đôi với tăng chất lượng, bởi đấy là mong mỏi không chỉ của riêng tôi mà của bất cứ người dân nào.
Xin cảm ơn giáo sư!
Đức Hiếu (thực hiện)