Dân Việt

Ăn nên làm ra nhờ mùa nước nổi

29/10/2012 06:53 GMT+7
(Dân Việt) - Năm nay, nhiều nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ăn nên làm ra với nghề trồng bông súng, múc đất đắp bờ bảo vệ vườn cây ăn trái.

Thợ lặn lấy đất phù sa đắt hàng

Nghề lặn dưới nước dùng thùng múc đất phù sa để đắp bờ, đắp nền nhà giúp những người không có ruộng đất có việc làm quanh năm nhưng kiếm khá nhất vẫn là những tháng mùa nước nổi. Phương tiện hành nghề là những cái thùng thiếc, rỗng đáy. Người làm nghề phải có sức khỏe tốt để lặn sâu xuống đáy múc từng thùng lên để đắp bờ ngăn không cho nước vào bảo vệ vườn cây ăn trái.

img
Ông Lê Văn Rí thu hoạch bông súng mùa nước nổi.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Long Lân (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) có thâm niên 15 năm trong nghề cho biết: “Ở vùng này mùa nước nổi về là nước thường tràn bờ bao làm ngập vườn cây ăn trái. Vì vậy, rất nhiều chủ vườn kêu lặn múc đất để bảo vệ vườn. chính vì vậy, mùa nước nổi là có việc làm suốt từ 2 - 3 tháng”. Theo ông Hùng, trung bình mỗi ngày người nào có sức khỏe tốt sẽ lấy từ 200 - 300 thùng đất từ dưới mương, kênh lên bờ với giá từ 700 - 900 đồng/thùng nên có thu nhập lo cho cuộc sống.

Ông Hồ Văn Ngon - một chủ vườn ở ấp Tân Thới, xã Sơn Định cho biết: “Năm nào cũng vậy cứ vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch là tôi múc đất đắp bờ bao. Những nhà vườn xung quanh đều có nhu cầu nên nhiều khi phải đặt hàng cả chục ngày mới tới lượt mình. Nhưng ở những tháng này, muốn kêu được thợ phải “đặt hàng” trước từ vài tuần tới một tháng vì tháng này nhiều người thuê lắm”.

Anh Nguyễn Văn Gọn - người nhiều năm lăn lộn với nghề lặn lấy đất ở ấp Tân Thới, xã Sơn Định tâm sự: “Trước đây, tôi làm vườn nhưng mảnh đất ven sông sụt lún gần hết. Tình cờ tôi thấy người ta lặn múc đất thu nhập cũng đủ sống, nhất là mùa nước nổi, nên tôi quyết định làm. Mới đầu đi xa, tối ngày phải ngâm mình dưới nước nên bệnh hoài, nhưng làm riết rồi quen”.

Trồng bông súng mùa nước nổi

Nghề trồng bông súng có thể làm quanh năm nhưng mùa nước nổi thu hoạch được nhiều nhất nhờ lượng phù sa dồi dào thượng nguồn đổ về. Gia đình ông Lê Văn Rí ở ấp Hòa Thạnh I (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) trồng bông súng đã 7 năm nay.

Với diện tích 5.000m2, ngày nào gia đình ông cũng thu hoạch 80kg bông súng bỏ mối cho các chợ trong vùng. Đặc biệt, vào mùa nước nổi năng suất cao hơn nhiều. Ông Rí cho biết: “Mấy năm gần đây, nước lũ ngày càng ít, nguồn bông súng đồng cũng khan hiếm nên tôi trồng để kiếm thêm thu nhập. Lúc đầu cây trồng chính của tôi là chanh, rau. Thấy dưới mương còn trống, tôi trồng bông súng để kiếm thêm, nào ngờ thu nhập từ bông súng dưới mương còn cao hơn cả cây trồng trên bờ”.

“Mấy năm nay gần chục hộ dân trên địa bàn đã ăn nên làm ra nhờ trồng bông súng.

Gia đình ông Đinh Văn Hoàng ở kế bên cũng trồng bông súng kiếm thu nhập khá trong mùa nước nổi. Ông Hoàng cho biết: “Bông súng mùa nước nổi trồng mau phát triển nên sản lượng thu hoạch cao hơn so với các vụ khác. Bông súng chủ yếu bán cho các mối ở chợ rất ổn định. Nghề này, cũng không cần diện tích nhiều, chỉ cần có mương nước, nhưng người trồng phải siêng năng thức khuya, dậy sớm để đem bông súng ra chợ bán và ngâm mình dưới nước để thu hoạch”.

Trồng bông súng ngày nào cũng cho thu hoạch nên nông dân thoát cảnh được mùa, mất giá khi thu hoạch rộ như những loại cây trồng khác. Ngoài ra, bông súng được xem là rau sạch khi trong quá trình trồng nông dân hầu như không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng ưa chuộng.