Dân Việt

Con đường nhọc nhằn của "phu thảo quả"

30/10/2012 13:15 GMT+7
(Dân Việt) - Người trồng thảo quả phải gọi là “phu thảo quả” mới đúng, nhọc nhằn vô độ đúng như lời người xưa nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Buôn thảo quả đa phần là phụ nữ, đều vào dạng “thần kinh thép” mới chơi được cái món “cổ phiếu thảo quả”...

Gập ghềnh đường rừng

Mỗi lần đề đạt cái nguyện vọng “lên nương thảo quả” là một lần cán bộ biên phòng, cán bộ xã nhìn tôi từ đầu đến chân …ngần ngại. Đi nương thảo quả là đi rừng sâu, cuộc sống khác theo kiểu “ở rừng”. Ngay với những người dân vùng cao, ở rừng không phải là điều thích thú gì. Hành trang đi nương thảo quả bao giờ cũng là tối giản nhất: Soong, dao, rìu, gạo, muối, thịt sấy, cá khô.

img
Đường gùi thảo quả về nhà (xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu).

Thường chỉ có vậy, thêm chăng là gói thuốc lào. Cái bát có thể cũng không, ở rừng vén lá chuối làm bát ăn cơm được. Nhà nào “sang trọng” có cái lán gỗ, không chỉ dựng mấy cây tre lên, quây ngay bằng lá thảo quả, hơn chục ngày ở rừng lá ngả vàng cũng là xong, như …người Lá Vàng vậy. Đêm đốt lửa, quây lá, cỏ khô ngủ, Vù A Sáu (xã Nậm Cang, huyện Sa Pa, Lào Cai) kể: “Đêm trước rét quá, hai vợ chồng thay nhau hơ lửa cả đêm, không ngủ nổi”.

Mùa thảo quả cũng bắt đầu vào mùa rét, nhiều sáng không dám sờ vào lá cây vì nỗi băng đóng, chạm vào buốt nhói. Rừng thảo quả nào cũng sũng nước, được gùi quả cũng ướt hết áo quần, đưa quả về lò sấy, tranh thủ hong, thành “cây khói”, vài phút ráo nước lại ra nương.

Sau mỗi mùa thảo quả là ốm, ốm vì quá cố ở chặng về. Mỗi ngày chỉ được một chuyến gùi, ai cũng muốn cố thêm một tý, bớt số chuyến đi, đáng gùi 30 cân cố thành 45-50 cân. Rồi gục như “trâu gục rét tháng 3”, đợt rét không căng lắm, nhưng là đợt rét cuối, lại vừa phải cày cố. Nậm Cang nhiều tỷ phú thảo quả nhưng mỗi mùa lại có vài người ốm gục như thế, quen người ta bảo “bệnh thảo quả”.

Mấy phen tôi đi nương, luôn kèm thêm 1- 2 thanh niên đi cùng hỗ trợ. Thực tình xã không cử thì tôi cũng sẽ phải thuê, để có người đưa đi, khỏi lạc rừng, cũng là để có người khoác cho chiếc ba lô. Mỗi lần đi là một lần ớn, một lần nghĩ “không bao giờ đi lại nữa”. Lên nương thảo quả đi theo lối chứ chưa hẳn là đường, đi quen hướng rồi người đưa đường lấy đỉnh núi làm tiêu, vạch cây mà đi. Sợ nhất lúc xuống dốc, lơ mơ là trượt cho vài chục mét. Không hiểu người dân cõng cái bao quả nửa tạ đi kiểu gì, về gục ốm cũng là phải. Mùa thảo quả nhiều nhà khó khăn đưa cả trẻ con lên rừng. Những cái bóng loắt choắt cũng luồn rừng hái quả, vung dao tỉa cây, quần áo, mặt mũi đen nhẻm nhựa thảo quả. Rồi đường về cũng cái bao quả trên lưng dẫu ít hơn bố mẹ, nhưng cũng to hơn người chúng.

Chênh vênh lối chợ

Riêng Lào Cai có lượng thảo quả chiếm tới 50% cả nước. Nghề trồng thảo quả Lào Cai phát triển mạnh, bên cạnh cái địa lợi còn phải kể đến sự hình thành khá sớm của dân “đi thảo quả”. Những đại gia thảo quả hôm nay luôn nhớ đến: Ngày xửa… ngày xưa… hồi 20 năm trước, đi buôn lậu… thảo quả. Hàng đóng vào túi bóng cho bớt mùi để qua mắt công an, thuế vụ. Giao thương mở rộng, vẫn những “con buôn” xưa thành thương gia thảo quả, nhưng con đường thảo quả vẫn đầy cạm bẫy. Giá cả lên xuống như … cổ phiếu, luồng hàng thay đổi hơn thời tiết ở Hoàng Liên Sơn.

Được- mất cách nhau trong gang tấc, dân đi thảo quả Lào Cai vẫn nhắc vụ đầu tư 200 tấn hàng của một thương gia lão luyện khi mua có giá 190.000 đồng/kg, găm hàng hơn 1 năm chờ lên giá, cuối cùng phải bán giá 110.000 đồng/kg, mất trắng gần 15 tỷ.

Chuyên gia tư vấn về Phát triển chuỗi giá trị nông sản Viên Kim Cương cho rằng: Hiểu biết hạn chế về thị trường đầu ra không chỉ tồn tại ở cấp người trồng, mà ở tất cả các cấp ngành hàng (thảo quả- PV), bao gồm cả đối với các hộ tư thương. Rất khó quản lý rủi ro về biến động giá vì không có thông tin về các yếu tố tác động đến sản xuất và tiêu dùng bên Trung Quốc.

Thời thế đổi thay, vai trò dân đi thảo quả được đánh giá lại, công bằng hơn, trở thành động lực chính để phát triển nghề. Hội Thảo quả Lào Cai thành lập, chủ tịch hội là một thương gia lão luyện, bà Phạm Thị Lan (SN 1967). Hội xây dựng những tiêu chí để bảo vệ người trồng, người buôn, xây dựng thương hiệu … để hướng tới sự phát triển bền vững cho một ngành kinh tế rừng hết sức độc đáo của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Năm nay, thảo quả có vẻ ổn về giá, những bộ thần kinh thép chưa được thử sức, gặp các chị đều nói… buồn. Bà Lan cười bảo: Buôn bán thế này… chán… phải dao động để bắt… nhả, hơn nhau một chút là thành hay bại”. Năm nay giá có vẻ ổn, nhưng đường đi nghe lại khó, thị trường phía Trung Quốc không cho nhập nhiều. Hàng nhập vào rồi lại chia ra đi theo nhiều cửa, có khi chạy thêm 400-500km để sang tận Lạng Sơn, hoặc chia đi các cửa tiểu ngạch “thấm nhỏ giọt” sang bên kia.

Dòng lưu thông của thảo quả như cái nghiệp phải mang chữ “lậu” khó mà thoát ra được, không thành con đường được. Như thế nghề trồng thảo quả không thể nào bền vững được, như câu hỏi luôn treo lơ lửng trên đầu người dân: Lỡ họ không mua, rừng thảo quả thành rừng hoang à?