Đó là thông tin được công bố tại Hội thảo "Thuốc giả: Từ thực tiễn đến hành động" do Trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức ngày 29.10.
Mất tiền mất mạng
Nghiên cứu của ông Nguyễn Tuấn Dũng - Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh cho thấy, tại Việt Nam đã phát hiện nhiều loại thuốc giả, đáng kể nhất là các thuốc chống viêm không steroide (không có tác dụng chống viêm), thuốc Dologesic (Nimesolide 100mg) không đảm bảo hàm lượng quy định; thuốc viên Levitra không chứa hoạt chất này trong thuốc; thuốc tẩy giun Fugacar cũng từng bị làm giả…
Người dân tù mù với chất lượng thuốc (ảnh minh họa). |
Đáng lưu ý, 50% thuốc được bán bất hợp pháp trên Internet là thuốc giả. Các loại thuốc giả được cảnh báo là "nguy hại khôn lường", chẳng hạn thuốc sốt rét giả làm xuất hiện các chủng kháng thuốc điều trị, là nguyên nhân chính khiến hàng trăm nghìn trẻ em trên thế giới chết vì sốt rét mỗi năm. Thuốc điều trị rối loạn cương dương cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ nam giới "lợn lành chữa lợn què" ngày càng cao hơn… "Thậm chí Viagra giả còn gây ra chứng giảm thị lực đột ngột, dẫn đến mù mắt" - ông Dũng cho biết.
PGS Nguyễn Đăng Hòa- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội nhận định, thuốc giả mang tính "động". Nó không chỉ bao gồm các sản phẩm nhái hoặc kém chất lượng, mà còn có thể bao gồm cả các yếu tố quá mạnh hoặc quá yếu, thiếu các thành phần chính, được sản xuất từ các thành phần nguy hiểm, nhiễm chất lạ hoặc chất độc...
"Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng thì không khỏi bệnh, tăng độc tính của bệnh, tăng kháng thuốc, thậm chí tử vong” - PGS Nguyễn Đăng Hòa nhấn mạnh.
Hạt cát trên sa mạc
Ở Việt Nam, theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm T.Ư và báo cáo của các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, số lượng thuốc giả đã phát hiện trong năm 2011 là 31 mẫu, chiếm tỷ lệ 0,09% mẫu lấy để kiểm tra chất lượng. Số liệu trên đây chưa bao gồm các mẫu thuốc giả mạo do công an, quản lý thị trường phát hiện. Cũng trong năm 2011, trong số 48.261 mẫu đã được tiến hành kiểm nghiệm có tới 940 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng cao hơn rất nhiều. Năm 2011, có 85/712 mẫu là thuốc giả (chiếm 11,94%). Tính đến hết tháng 9.2012, Viện cũng đã phát hiện 71 mẫu thuốc giả trên 571 mẫu xét nghiệm (chiếm 12,61%). Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là đông dược và dược liệu, sau đó đến thuốc tân dược nhập khẩu và sau cùng là thuốc sản xuất trong nước. Cụ thể, năm 2011, có 30 mẫu dược liệu chứa acid srristolohic, 14 mẫu đông dược không đạt chất lượng. Ba quý đầu năm 2012, Viện cũng phát hiện 28 mẫu đông dược không đạt chất lượng, 5 mẫu dược liệu giả không rõ nguồn gốc.
Theo bà Nguyễn Thị Trúc Vân (Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.Hồ Chí Minh), hiện trên thị trường thuốc hàng trăm ngàn mẫu, bán tại khoảng 15.000 nhà thuốc và 30.000 điểm bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam. Vì vậy, những con số nói trên chỉ là hạt cát trên sa mạc.
Ông Nguyễn Văn Viên (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) cũng cho biết, hiện nay việc phát hiện thuốc giả vô vùng khó khăn do tình trạng mua bán lòng vòng, mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn; phương pháp lấy mẫu để kiểm tra chất lượng còn chưa hiệu quả; một số chủ nhà thuốc sau khi phát hiện ra thuốc giả cũng không thông báo cho cơ quan quản lý do sợ ảnh hưởng đến uy tín; các biện pháp xử phạt khi phát hiện thuốc giả vẫn chưa nghiêm…
Diệu Linh