Ngược lại, cũng xuất hiện một số lễ hội "lạ" với nguồn gốc mù mờ và ý nghĩa không rõ ràng. Nhưng dù lễ hội được tổ chức với mục đích gì, thì đó cũng là nơi thu hút một số lượng rất đông người đi dự lễ, đi chơi hội.
Có rất nhiều nguyên nhân mất an toàn, mà những lễ hội càng lớn thì nguy cơ tai nạn càng cao. Nói như một quan chức Bộ VHTTDL thì ở lễ hội "Khai ấn đền Trần" vừa rồi, với những cảnh chen lấn xô đẩy kinh người như thế mà "không có tai họa như lễ hội ở Campuchia là may lắm rồi!" Sao lại có chuyện "may mà không có tai họa" như thế ?
Công tác tổ chức lễ hội lâu nay thường được khoán cho các địa phương, nhưng năng lực bảo đảm an toàn cho lễ hội của nhiều địa phương là không cao, thậm chí bất cập, nên nhìn cảnh "ngựa xe như nước áo quần như nêm" những nhà tổ chức lễ hội vừa mừng lại vừa... kinh. Kinh vì nếu chỉ cần một sự cố nào đó xảy ra, thì trong điều kiện người đi hội chen lấn xô đẩy, lại không có hoặc không đủ đường thoát, và cũng không có bất cứ phương tiện bảo hộ tai nạn gì, thì đúng là "nếu không may", chắc chắn thảm họa sẽ xảy ra.
Nhiều nhà tổ chức cho rằng, lễ hội mà không chen lấn xô đẩy thì không phải lễ hội. Có một phần đúng như thế, vì số lượng người tham gia lễ hội là quyết định cho sự thành công của lễ hội. Nhưng ngược lại, chính sự tập trung đông người bất thường ở những địa điểm không có sự phòng bị tốt chống tai nạn, thì nguy cơ là rất lớn.
Tất cả những lễ hội lớn trên thế giới đều chứa độ rủi ro nhất định. Nhưng nếu nơi nào không có sự chuẩn bị tốt, không có những phương án xử lý những tình huống, và thiếu phương tiện cùng khả năng chống tai nạn, thì những nơi ấy rất dễ xảy ra tai nạn, thậm chí xảy ra thảm họa.
Thanh Thảo