Dân Việt

Giữ nghề nông thời đô thị hóa

21/02/2011 11:43 GMT+7
(Dân Việt) - Đô thị hoá, đất sản xuất còn rất ít, thậm chí không còn, để phong trào ND sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi phát triển, Hội ND các quận ở Hà Nội đã hướng dẫn ND tìm mô hình mới, chuyển nghề...
img
Đại diện Hội ND quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai (Hà Nội) tham quan mô hình trồng cây cảnh của anh Nguyễn Xuân Mai (phường Mai Dịch).

Quận Cầu Giấy hiện chỉ còn gần 20ha đất nông nghiệp. Phần lớn diện tích này là đất xen kẽ, đất kẹt trong các khu đô thị, công trình công cộng.

Nắm bắt thời cơ

Anh Nguyễn Xuân Mai (phường Mai Dịch) cùng với một số bạn bè gom những diện tích đất kẹt lại để trồng cây cảnh, bưởi Diễn, cam Canh. “Thế mạnh của chúng tôi là thị trường Hà Nội. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng bán cây cảnh, cam, bưởi...” - anh Mai cho biết. Chi hội hoa, cây cảnh của anh Mai còn thuê diện tích trống ở các đền, chùa, nơi công cộng để trồng cây cảnh.

4 nội dung đẩy mạnh phong trào ND SXKD giỏi của Hội ND Hà Nội:

Vận động ND tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông sản năng suất, chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường; tạo vốn theo nhu cầu của ND; đẩy mạnh liên kết 4 nhà, chuyển giao KHKT, dạy nghề cho ND; xây dựng các mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao.

Xu hướng đô thị hoá đã và đang diễn ra nhanh chóng ở quận Hà Đông, cộng với những khó khăn, thất bát khiến nhiều ND chán sản xuất trên những mảnh ruộng còn lại. Đây lại là cơ hội để anh Nguyễn Tiến Việt (phường Yên Nghĩa) làm giàu.

Cách đây 5 năm, anh Việt mua, thuê 5ha đất đào ao thả cá, trên bờ thì trồng cam Canh, bưởi Diễn. “Hai năm nay, mỗi năm tôi thu 100 triệu đồng từ bưởi, 100 triệu đồng từ cam, ngót 500 triệu đồng từ cá. Trồng cây, nuôi cá, tôi đều áp dụng kỹ thuật thâm canh, sản phẩm làm ra nhắm trúng được nhu cầu của thị trường Hà Nội”- anh Tiến Việt chia sẻ.

Thu gom 3.000m2 đất kẹt, đất xen kẽ, tập hợp anh em họ hàng, bà con khối phố góp đất để thâm canh đào, quất cảnh và các cây xanh trang trí đô thị là cách làm của ông Lê Văn Lập, phường Quảng An (Tây Hồ).

Ông Lập thổ lộ: “Từ quy mô nhóm hộ, đến nay chúng tôi thành lập công ty cổ phần, thuê đất ở những địa phương xa Hà Nội để sản xuất cây cảnh, cây trang trí. Công ty không chỉ tạo lợi nhuận cho các thành viên góp vốn, mà còn thu hút gần 50 lao động có tay nghề cao với thu nhập không hề nhỏ...”.

Không còn đất sản xuất, đại bộ phận ND khu vực đô thị hoá ở Hà Nội đều chuyển nghề. Việc chuyển nghề của ND đều có hỗ trợ ít nhiều của Hội ND. Bà Chu Tuyết Anh- Chủ tịch Hội ND quận Cầu Giấy cho biết: “Chúng tôi mở các lớp dạy nấu ăn, bổ trợ kiến thức kinh doanh cho các hộ làm dịch vụ, hỗ trợ vốn cho ND các phường có nghề truyền thống phát triển nghề”.

Với cách làm này, phường Dịch Vọng Hậu đã phát triển nghề làm cốm truyền thống và các sản phẩm từ cốm, tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Nhờ đó, hộ SXKD giỏi tăng hàng năm”.

Cũng nhờ chuyển sang nghề làm kim hoàn, giày da, cơ khí, chế biến thực phẩm, hầu hết 900 hộ hội viên ND phường Định Công có thu nhập ổn định sau khi không còn đất sản xuất.

Hỗ trợ ND nhiều hơn

Để ND yên tâm sản xuất, kinh doanh, bà Nguyễn Bích Hợi-Chủ tịch Hội ND phường Định Công kiến nghị: “Trong quá trình chuyển đổi nghề, ND rất cần được hỗ trợ vay vốn ưu đãi; học nghề mới”.

Là ND SXKD giỏi, ông Lê Văn Lập (Tây Hồ) kiến nghị, Hội ND thành phố nên thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa ND các quận với nhau và giữa ND các quận với ND các huyện ngoại thành. Nhiều mối quan hệ liên kết sản xuất giữa ND sẽ được hình thành qua các chuyến tham quan như thế.

Về những kiến nghị này, bà Vũ Thuý Lan- Phó Chủ tịch Hội ND thành phố cho biết: “Năm 2010, Hội ND thành phố đã tổ chức khảo sát toàn diện phong trào ND SXKD giỏi ở tất cả các quận, huyện. Trên cơ sở những khó khăn, đề xuất của các hộ ND, Hội sẽ xây dựng kế hoạch dài hạn hỗ trợ ND SXKD giỏi”.