Phun thuốc sâu cho lúa đông xuân. |
Hiện, đã có trên 56.000ha lúa đông xuân bị nhiễm rầy nâu, gần 16.500ha bị sâu cuốn lá, trên 49.000ha bị đạo ôn lá và trên 2.700ha bị đạo ôn cổ bông..., tập trung ở các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long. Tiến sĩ Hồ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam khuyến cáo, bà con cần thường xuyên đi thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh nhất là bệnh đạo ôn; không nên phun thuốc ngừa mà khi xuất hiện mầm bệnh mới tiến hành phun thuốc, Ngoài ra, phải bón phân cân đối ngay đầu vụ; trong đó chú ý bón thêm phân lân để rễ lúa ăn sâu và phân kali để lúa cứng cáp, nâng cao sức đề kháng.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam dự báo, lứa rầy ở tuổi 3 -5 tiếp tục phát triển trong tuần đầu tiên sau Tết và có thể gia tăng mật số cao trên trà lúa đang đẻ nhánh và đòng trổ. Bệnh đạo ôn có thể tiếp tục phát sinh và lây lan do thời tiết có sương mù nhẹ, còn lạnh trong những ngày sau Tết và cây lúa đang ở giai đoạn sinh trưởng phổ biến từ đẻ nhánh đến trổ đòng.
Ngoài việc thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời, giải pháp mà Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đưa ra là: Đối với bệnh đạo ôn đặc biệt là đạo ôn cổ bông cần phun ngừa trước và sau khi lúa trổ từ 7 - 10 ngày bằng các loại thuốc đặc trị. Ngoài ra, ND cũng cần phải đề phòng chuột, sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu bệnh khác gây hại trên trà lúa đông xuân.
Được biết, trong vụ đông xuân 2010 - 2011, các tỉnh thành phía Nam đã xuống giống được trên 1,6 triệu ha, trong đó riêng khu vực ĐBSCL gần 1,5 triệu ha. Hiện nay, ND đã thu hoạch đầu vụ gần 165.000ha, còn lại trên 204.000ha đang chín tới. Đáng chú ý, toàn vùng có trên 398.000ha lúa đông xuân muộn đang đẻ nhánh và trên 513.000ha đang làm đòng trổ là giai đoạn rất dễ bị sâu bệnh tấn công rất khó phòng trị.
Nguyễn Thắng