Dân Việt

Đưa 600 trí thức trẻ về xã: Mong đợi sự đồng thuận

22/02/2011 15:55 GMT+7
(Dân Việt) - Đầu tháng 3.2011, dự án đưa 600 trí thức trẻ (TTT) về làm phó chủ tịch (PCT) xã của 62 huyện nghèo sẽ chính thức được khởi động giai đoạn 1. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về tính khả thi.

Khó nghe tiếng nói “người trẻ”

img

Trí thức trẻ tình nguyện về Cà Mau.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh - cán bộ địa chính xã Hoằng Đức (Hoằng Hoá, Thanh Hoá) tham gia Dự án TTT tình nguyện năm 2009. Tốt nghiệp Trường ĐH Nông nghiệp với tấm bằng loại giỏi, khi biết tỉnh có chương trình hỗ trợ TTT về xây dựng quê hương, chị đã đăng ký về làm việc.

Chị Vân Anh cho biết: Chương trình của tỉnh không có nhiều yêu cầu khắt khe nhưng lại có quá nhiều cơ chế ràng buộc, như: Phải làm tại địa phương trong vòng 9 năm, sau 1 năm thử việc mới được ký chính thức, hưởng 85% hệ số lương theo quy định. Đổi lại, tỉnh hỗ trợ thêm 700.000 đồng/tháng tiền ăn uống, sinh hoạt; đối với những người ở xa sẽ được tạo điều kiện về chỗ ở, đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương.

“Nhưng khi về làm việc mới thấy nhiều bất cập: Không được làm đúng chuyên ngành đào tạo là một lẽ, cơ chế địa phương chưa thoáng để người trẻ có thể phấn đấu. Vì vậy, tuy đã về làm được gần 1 năm, nhưng nhiều khâu trong công việc vẫn chưa thể làm được”- chị Vân Anh chia sẻ. Cùng đợt tuyển công chức cấp xã với chị Vân Anh có 60 cử nhân vừa tốt nghiệp của huyện Hoằng Hóa trúng tuyển, nhưng hầu hết họ đều phải làm trái chuyên ngành đào tạo.

Chị Trần Thị Ngoan (tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội), hiện là cán bộ tư pháp xã Khánh Lợi (Yên Khánh, Ninh Bình) về địa phương theo chương trình thu hút của tỉnh và Đoàn Thanh niên. Ngoài số tiền hỗ trợ ban đầu là 3 triệu đồng, chị được hưởng mức lương theo bằng cấp và phụ cấp ăn uống hàng tháng. Tuy nhiên, chị Ngoan cho biết: “Dù tôi có bằng cấp nhưng không có tiếng nói vì bị các bậc cha chú coi là quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Mới chỉ là cán bộ chuyên môn bình thường còn khó phát triển như vậy huống chi được bổ nhiệm làm PCT xã”.

Trông đợi sự giúp đỡ của huyện, tỉnh

Dự án với kinh phí 195 tỷ đồng, sẽ được triển khai trong vòng 10 năm (2011-2020). Dự án có 2 giai đoạn, và trong giai đoạn 1 (2011-2012), sẽ tiến hành tuyển thử nghiệm 100 TTT đưa về 5 tỉnh. Cụ thể, số cán bộ trẻ này sẽ được đưa về 25 xã của Cao Bằng, 15 xã của Điện Biên, 15 xã của Nghệ An, 30 xã của Quảng Ngãi và 15 xã của Kon Tum. Người được lựa chọn về làm PCT xã sẽ được hưởng tất cả các chế độ chính sách như một PCT xã, gồm: Lương, hệ số phụ cấp, ưu đãi vùng miền… Tính tất cả các khoản sẽ có thu nhập gấp đôi công chức được tuyển dụng ở thành thị.

Là 1 trong 5 tỉnh được chọn thực hiện thí điểm dự án đưa 600 TTT ưu tú về làm PCT xã, sau hơn 2 tháng triển khai, Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng đã lựa chọn được 25 xã của 5 huyện tham gia chương trình này.

Trước đó, Sở Nội vụ tỉnh này cũng đã triển khai nhiều chương trình kêu gọi, hỗ trợ TTT về quê làm việc, nhưng không thành công do thiếu kinh phí, môi trường làm việc không thuận lợi khiến cử nhân trẻ khó thích nghi và thường… bỏ của chạy lấy người.

Đề án lần này cụ thể hơn và có nhiều chế độ đãi ngộ thích hợp. Nhưng điều băn khoăn lại ở chỗ chức vụ sẽ phân bổ cho cử nhân trẻ quá cụ thể.

Ông Đinh Danh Phương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho biết:

“Các cán bộ xã được đề cử sẽ tiếp nhận TTT “lo ngại”: Làm PCT xã cần có nhiều yếu tố và kinh nghiệm quản lý, nếu không được đào tạo và thử thách thì nhiều TTT thậm chí sẽ không tưởng tượng được một PCT xã phải làm những gì. Họ sẽ vấp phải nhiều khó khăn hơn so với chỉ làm công việc chuyên môn như các chương trình khác”.

Theo ông Vũ Đăng Minh - quyền Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ: Khó khăn nhất của đề án chính là sự giúp đỡ, đồng thuận của cán bộ các tỉnh, huyện, vì đây là công tác cán bộ. Nhưng qua các hội nghị tổ chức tại địa phương, nhiều ý kiến đồng thuận, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” nhiệt tình giúp đỡ đã được ghi nhận từ phía lãnh đạo các xã nghèo, vì vậy có thể hy vọng vào tính khả thi của dự án.