Những hòn vọng phu
Vợ con các ngư dân mất tích đang chờ đợi trong tuyệt vọng . |
Ngày 22.12.2010, thuyền trưởng Lê Minh Tân (SN 1962, ở xã An Vĩnh, Lý Sơn) rủ các ngư dân làm một chuyến ra khơi: Đi kiếm chút ít về ăn Tết cho rôm rả. Giá rau câu những ngày giáp Tết lên 15.000 đồng/kg. Các ngư dân tính toán, chỉ cần ra Hoàng Sa 1 tháng, mỗi người sẽ kiếm được 5-7 triệu đồng, về ăn Tết thong thả. Các ngư dân quyết định nhằm thẳng đảo Bom Bay (Hoàng Sa) - nơi có nhiều rau câu - để làm đích đến.
Không một thông tin từ Hoàng Sa kể từ ngày các ngư dân xuất bến. Gia đình các ngư dân đón một cái Tết buồn vì chẳng thấy chồng, con về. “Khi nào ba về sẽ mua bánh Tết cho con”-ngư dân Nguyễn Hoàng dặn dò con khi xuống bến. Chị Lê Thị Xanh - vợ anh, và mấy đứa con đều đinh ninh lời ấy. Họ đã chờ khi Tết chưa đến cho đến hôm nay Tết tàn.
Chị Lời - vợ ngư dân Nguyễn Văn Tiến, khóc nói: “Chiếc tàu này chỉ mang theo 4 bao gạo, bấy nhiêu con người cũng chỉ đủ một tháng. Nếu hổng bị chết trôi thì cũng chết đói rồi”. Ngày 15.1.2011, chiếc tàu cuối cùng xuyên Tết từ quần đảo Hoàng Sa trở về, tia hy vọng của người nhà các ngư dân tắt lịm khi tất cả đều nhận được cái lắc đầu: Không thấy tàu nào hái rau câu ngoài Hoàng Sa!
Hiện nay, UBND huyện đảo Lý Sơn và Đồn Biên phòng 328 đã điện cho 8 tàu cá của ngư dân Lý Sơn và các tàu cá khác đang hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa tổ chức tìm kiếm ngư dân bị nạn.
Biển vẫn lặng thinh
Lê Minh Tân
Hồ Văn Lâm
Trần Văn Lanh
Trương Văn Tiến
Nguyễn Hoàng
Nguyễn Đảng.
Đầu thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn), tiếng vợ con các ngư dân bị nạn khóc lóc thảm thiết. Hàng ngày, người thân các ngư dân ra biển trông ngóng chồng.
Mặc cho họ lăn lộn kêu gào, biển vẫn thổi những cơn gió lạnh toát. Vợ thuyền trưởng Lê Minh Tân định 24 tháng Giêng sẽ lập đàn siêu linh vì tia hy vọng đã tắt. “Giờ thì chẳng còn ai quay về!” – bà Việt - vợ thuyền trưởng Tân, lắc đầu buồn thảm.
Trong số các ngư dân bị nạn, có ngư dân Nguyễn Đảng (74 tuổi). Ngư dân này trước kia đi trên tàu của ông Mai Phụng Lưu và bị Trung Quốc bắt, đến 26.10.2010 mới được thả về. Về 2 tháng, bây giờ lại tiếp tục gặp nạn.
Tai nạn rơi vào những gia đình có hoàn cảnh nghèo khó. Phần lớn các ngư dân bị nạn không phải là dân đi biển chuyên nghiệp.
Riêng thuyền trưởng Lê Minh Tân gặp nạn nhiều nhất. Gần đây nhất là bão số 1 năm 2008, chiếc thuyền QNG- 6422 bị đập nát tại quần đảo Hoàng Sa. Ôm chiếc máy Icom và chiếc bình ắc quy nhảy lên đảo ngầm, anh và các ngư dân này đã thoát chết nhờ thông tin cho các tàu cá đến cứu.
Tuy nhiên, lần này thì số phận đã không còn mỉm cười với các ngư dân. Bà Hoa (bị tàn tật) - vợ ngư dân Trần Văn Lanh, sống gần như dựa hoàn toàn vào chồng và đứa con trai. Ông Lanh đi hái cà phê trên Tây Nguyên về, xuống thuyền định đi một phiên kiếm tiền ăn Tết. Bà Hoa gục đầu xuống gối: “Hồi giờ ổng có ăn của Hà Bá đồng nào đâu mà chết. Tui mua cho ổng cây thuốc hút, nhưng Tết rồi ra Giêng, ổng vẫn không về!”.
Tuấn Đạt